Những địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công - Bài 6: Đồng Nai - vì sao đạt thấp?
Bộ KH&ĐT: 6 tháng đầu năm, có 33 bộ, 28 địa phương giải ngân vốn đầu tư công dưới trung bình cả nước. Một số địa phương được giao kế hoạch năm 2024 cao hơn 2023, nhưng có giá trị giải ngân thấp hơn đáng kể so cùng kỳ: TP. HCM, thấp hơn 4.604,351 tỷ đồng; Quảng Ngãi, thấp hơn 1.510,304 tỷ đồng; Hải Phòng, thấp hơn 1.476,968 tỷ đồng; Bắc Giang, thấp hơn 1.097,672 tỷ đồng; Đồng Nai, thấp hơn 839,04 tỷ đồng…
Bài 6 (bài cuối):Đồng Nai - vì sao đạt thấp?
Tỉnh Đồng Nai, đã 8 tháng trôi qua, nhưng tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư công chưa đạt một nửa so kế hoạch. Nguyên nhân chính do chậm giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.
Tỉnh Đồng Nai thuộc vùng Đông Nam Bộ
Tiến độ giải ngân đang quá chậm
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chậm, nhất là tại 6 dự án trọng điểm.
Cụ thể: Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Sân bay Long Thành năm 2024, Dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; Dự án Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường trục trung tâm TP. Biên Hòa…, tỷ lệ giải ngân đều thấp.
Trong đó, Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Sân bay Long Thành năm 2024, được bố trí nguồn vốn hơn 2.500 tỷ đồng. Tính đến tháng 8/2024, tỷ lệ giải ngân vốn tại dự án này đạt hơn 35% kế hoạch.
Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Ngoài ra, đối với Tiểu dự án Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu năm 2024, được giao nguồn vốn hơn 1.000 tỷ đồng. Nhưng đến tháng 8, tỷ lệ giải ngân vốn chỉ đạt trên 5% kế hoạch.
Bên cạnh đó, Dự án Thành phần 4, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh (đoạn qua tỉnh Đồng Nai) được giao 691 tỷ đồng, đến nay tỷ lệ giải ngân cũng mới đạt hơn 20%.
Dự án Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường trục trung tâm TP. Biên Hòa, cũng chỉ giải ngân hơn 20% trong tổng vốn hơn 600 tỷ đồng.
Như vậy tính đến nay, tổng giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm ở tỉnh Đồng Nai mới đạt trên 40% kế hoạch.
Chính điện Văn Miếu Trấn Biên - thành phố Biên Hòa
Theo các ban quản lý dự án, nguyên nhân giải ngân thấp là do vướng mặt bằng dẫn đến các nhà thầu khó triển khai thi công, tiến độ đạt được chậm so kế hoạch.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, 2 “điểm nghẽn” lớn là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp và tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm còn chậm. Hiện Đồng Nai đứng thứ 52/63 tỉnh, thành phố về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Tiến độ các dự án giao thông liên tỉnh như Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường vành đai 3 – TP. Hồ Chí Minh, thì các địa phương khác có khối lượng xây lắp rất lớn, trong khi Đồng Nai vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Một vấn đề nổi lên khiến cho tiến độ các công trình, dự án trọng điểm bị chậm dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp đó là công tác phối hợp giữa các đơn vị.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua Đồng Nai giải ngân chậm do vướng mặt bằng
Dẫn chứng tại Dự án Xây dựng Khu tái định cư Long Phước để phục vụ Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, do sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với đơn vị kiểm lâm, khiến phải mất 6 tháng mới có thể thanh lý được rừng tràm phục vụ xây dựng.
Dự án Cầu Phước An cũng vậy, chuyển đổi một diện tích nhỏ rừng, nhưng làm rất lâu.
Công tác phối hợp giữa các đơn vị thời gian qua còn rất yếu. Các ban quản lý dự án của tỉnh phải xem xét lại vai trò điều hành của mình. Vì 4 công trình hạ tầng xã hội tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn không vướng mặt bằng, có đủ tiền, mà vẫn chậm tiến độ.
Không thể nào để chậm hơn được nữa…
Vướng mắc lớn nhất của tỉnh Đồng Nai hiện nay là khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nếu khâu này được khơi thông, rút ngắn thời gian, sớm có mặt bằng giao cho đơn vị thi công, thì tiến độ triển khai dự án đảm bảo thời gian quy định và nguồn vốn ngân sách cũng được giải ngân nhanh.
Nhiều hạng mục, dự án đang vừa làm vừa chờ đất - cát ở Đồng Nai
Thế nhưng, ở Đồng Nai, dân cư đông đúc, hầu hết các dự án đều thu hồi đất của nhiều hộ gia đình, cá nhân, do vậy, muốn thực hiện nhanh giải phóng mặt bằng, thực không dễ. Bởi trong đó có nhiều hộ gia đình bị giải tỏa trắng, phải bố trí tái định cư.
Tại nhiều địa phương của tỉnh, hiện chưa có sẵn khu tái định cư để di dời người dân trong dự án đến sinh sống và giao đất cho đơn vị thi công. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề này, các địa phương phải có sẵn các khu tái định cư cho các dự án.
Trước thực trạng trên, tháng 8, tỉnh đã phối hợp với các chủ đầu tư, từng địa phương có dự án tiếp tục tìm cách tháo gỡ nhanh những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn. Ước tính, trong tháng 8, nguồn vốn đầu tư công do Đồng Nai quản lý giải ngân được hơn 1.290 tỷ đồng, tăng gần 14,6% so tháng 7.
Vì thế, 8 tháng của năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công của Đồng Nai, khả năng đạt 44% kế hoạch năm. Tuy nhiên, có những dự án mức độ giải ngân thấp hơn nhiều so bình quân chung của tỉnh.
Thi công hệ thống thoát nước tại phường Hóa An, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Chỉ còn gần 4 tháng nữa sẽ kết thúc năm, Đồng Nai phải “chạy đua” trong giải ngân nguồn vốn do Nhà nước phân bổ cho các dự án trọng điểm, cũng như các dự án khác.
Hiện nay, hằng tuần, hằng tháng, lãnh đạo tỉnh đều làm việc về các dự án trọng điểm quốc gia và địa phương, để nắm rõ những khó khăn. Những khó khăn thuộc thẩm quyền của tỉnh, sẽ được xem xét, đốc thúc giải quyết kịp thời, còn vướng mắc thuộc thẩm quyền của Trung ương, sẽ được tổng hợp để kiến nghị các bộ, ngành, Chính phủ tháo gỡ. Dự kiến, tỉnh sẽ giải ngân vốn đầu tư công đạt yêu cầu của Chính phủ.
Và để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, cũng như hoàn thành các dự án, Đồng Nai đã lập danh mục các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh với 28 dự án. Trong số này, có 12 dự án đang trong giai đoạn thi công và đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Võ Tấn Đức, tổng nguồn vốn bố trí cho các công trình, dự án trọng điểm là gần 10.000 tỷ đồng. Hơn nửa năm 2024, nguồn vốn được giải ngân chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng, mới đạt được một phần nhỏ của kế hoạch.
Điểm xây khu tái định cư - xã Long Đức, huyện Long Thành, phục vụ cho Dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đôn đốc các đơn vị liên quan sớm bàn giao đất làm cao tốc, đường vành đai… để nhà thầu thi công, đẩy nhanh các hạng mục, tăng giải ngân. Cụ thể, hết tháng 9, sẽ bàn giao mặt bằng cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Đường vành đai 3 (đoạn qua tỉnh Đồng Nai).
Đánh giá về tiến độ thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng, hiện nay, so với cả nước, Đồng Nai đang quá chậm. Đối với Đồng Nai, thì không thể nào để chậm hơn được nữa, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Thời gian còn lại của năm 2024, các đơn vị liên quan phải đặt quyết tâm cao hơn nữa để hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn.
“Khẩu lệnh hành động của Thủ tướng Chính phủ là rất quyết liệt “vượt nắng thắng mưa”, “3 ca, 4 kíp”, “bàn làm không bàn lùi”. Đó là những khẩu lệnh hành động thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ và nhiều nơi đã làm được nhưng mình cứ chần chừ”, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn chỉ rõ.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng lại đường gantt giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị theo từng tuần, tháng từ nay đến cuối năm để theo dõi, đôn đốc tiến độ giải ngân.
“Tăng tốc” giải phóng mặt bằng - Dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu thành lập các tổ công tác để làm việc với các địa phương, các chủ đầu tư, kiểm tra, đôn đốc tiến độ từng dự án. Sở Nội vụ theo dõi, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, tập thể…
Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 8 và 8 tháng năm 2024, tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, thị trường xuất khẩu thuận lợi, thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước khá ổn định… Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 7,3%, mức tăng cao hơn rất nhiều so cùng kỳ 2023. Sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn, phát triển ổn định. Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, tiếp tục phát triển, giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường ít biến động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 13%, doanh thu dịch vụ du lịch tăng hơn 32%... Đến cuối tháng 8, tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 40.000 tỷ đồng, đạt 72% dự toán Trung ương giao, tăng 11% so cùng kỳ năm trước. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 34% so cùng kỳ.
Thủy Hương
Tin mới
Tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 93/CĐ-TTg ngày 11/9/2024 về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại Lạng Sơn
Chiều 11/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và đoàn công tác đã kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ lụt do hoàn lưu của bão số 3 gây ra tại tỉnh Lạng Sơn.
Lào Cai: Huyện Bắc Hà nỗ lực khắc phục hậu quả sau thiên tai
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, mưa to kéo dài kết hợp lũ trên thượng nguồn đổ về gây lũ lớn, chia cắt cục bộ nhiều cụm dân cư trên địa bàn huyện Bắc Hà, làm hư hại 1.405 nhà, 208 chuồng trại, 646 ha lúa và hoa màu cùng nhiều công trình giao thông, trường học, y tế…, ước thiệt hại hơn 35 tỷ đồng...
Hoa Kỳ công bố hỗ trợ 1 triệu USD cho các nỗ lực cứu trợ khẩn cấp sau bão Yagi
Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), sẽ cung cấp 1 triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp để hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thiệt hại thảm khốc do bão Yagi gây ra.
Thái Nguyên: Tiếp nhận 80.000 viên khử khuẩn từ Unicef Việt Nam
Nhằm hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh, nhất là các bệnh lây truyền qua nguồn nước, hoặc từ động vật, sau bão số 3, Sở Y tế Thái Nguyên đã có công văn đề nghị hỗ trợ từ nhiều đơn vị, tổ chức...
Nam Định: Bộ đội sát cánh cùng nhân dân khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ
“Chấp hành chỉ đạo của lãnh đạo Quân khu 3 và Bộ CHQS tỉnh Nam Định, thời điểm trước, trong và sau khi cơn bão số 3 đổ bộ, đơn vị đã quán triệt duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực chiến, trực ban, trực cứu hộ, cứu nạn 24/24” – đó là chia sẻ của Trung tá Trần Đình Thắng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Ý Yên về công tác hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ.
Câu chuyện thương hiệu
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9
PVTrans (PVT) sắp trả tổng cộng hơn 106,8 tỷ đồng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3%
Nợ của Tập đoàn Taseco tăng vọt lên 6.601 tỷ
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới
Bình Điền xuất khẩu phân bón NPK Đầu Trâu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân Lào
Thuơng hiệu Than Hà Lầm với công tác bảo vệ môi trường