Bài 1: Sông Sài Gòn đang oằn mình vì xâm lấn trái phép
Nạn xả rác, nước thải xuống kênh rạch vẫn phổ biến, việc lấn chiếm kênh rạch để xây cất nhà ở, quán ăn, quán nhậu, công trình cao ốc, biệt thự mọc lên như nấm sau mưa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, gây nạn ngập úng cục bộ và ô nhiễm môi trường. Đó là hiện trạng thực tế đang xảy ra trên dọc tuyến sông Sài Gòn và kênh rạch liên quan.
Để có được một chuyến đi trọn vẹn dọc sông Sài Gòn và vào được tận cùng của những đoạn kênh rạch, chúng tôi đã liên hệ với ông ba Chúc (Nguyễn Văn Chúc), người đã 50 năm gắn chặt cuộc đời mình với sông Sài Gòn – ông còn có biệt danh là “người đàn ông 50 năm tranh cơm của hà bá”.
Di chuyển bằng thuyền trên sông Sài Gòn quả là một trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên trái ngược với sự phấn khích của chúng tôi, người đàn ông đã 50 năm gắn bó với dòng sông này thở dài và mắt xa xăm đượm buồn:” "Hồi xưa dòng sông rộng, nước sạch, cá tôm đầy. Vậy mà chỉ mấy chục năm phát triển, hai bên bờ sông đã bị san lấp, lấn chiếm vô tội vạ. Dòng sông đang oằn mình chờ chết từng ngày”. Rít một hơi thuốc ông nói tiếp :” "Lòng sông bị đào lên, lấn ra làm bờ kè xây dựng các dự án nhà ở. Lớp bê-tông, lớp rác rưới đè xuống khiến cá, tôm tìm về nơi khác. Đó là chưa kể bờ sông giờ có chủ hết, cập ghe vô là bị đuổi liền" - ông Chúc nói giọng buồn buồn và phóng tầm nhìn từ cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh) xuôi về phía quận 2, Thủ Đức, chép miệng: "Giờ đứng từ đây nhìn ra bao quát, hẳn ai cũng thấy các dự án nhà cao tầng chen chúc đầy bờ sông, đâu còn không gian công cộng cho người dân được hưởng lợi nữa đâu".
Ông ba Chúc người đã 50 năm gắn bó với sông Sài Gòn
Đúng như lời ông ba Chúc chia sẻ, dọc bờ sông bây giờ rất ít khi bắt gặp công viên hoặc bờ kè ven sông mà người dân có thể dừng lại hóng mát. Thay vào đó, hình ảnh mà chúng tôi nhìn thấy nhiều nhất lại là quán nhậu, nhà hàng và hàng loạt dự án chung cư, biệt thự mọc lên lấn hết không gian bờ sông.
Đơn cử, tại khu vực bờ sông thuộc phường 13, quận Bình Thạnh có một công trình biệt thự hoành tráng đang được ngang nhiên xây dựng lấn hẳn ra phía ngoài bờ sông khoảng gần chục mét.
Biệt thự đang xây lấn sông (66/10 – 66/12 Bình Lợi, P13, Q Bình Thạnh)
Hay cũng tại địa phương này nhà hàng Cây Sa Kê có hẳn một dãy nhà dài chừng 30m đang được xây dựng lấn ra bờ sông bằng trụ bê tông hẳn hoi.
Nhà hàng Cây Sa Kê (440/6 Nơ Trang Long, P13, Q Bình Thạnh) đang xây dưng lấn sông
Hay khu vực Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) sát bờ sông là biệt thự, quán cà phê và có đoạn bờ sông bị một dự án chung cư bao bọc và xí phần là khu nội bộ của mình. Tương tự, dọc khu vực Thảo Điền, quận 2, khi chúng tôi muốn tấp vào bờ để tìm chỗ đi lên đường Nguyễn Văn Hưởng thì mới nhận ra rằng xung quanh toàn là khu biệt lập. Thử ghé ghe vào một khu biệt lập xem thế nào thì ngay lập tức chúng tôi bị bảo vệ xua đuổi.
Các khu biệt thự biệt lập lấn chiếm và tư hữu bờ sông tại khu vực Thảo Điền, Quận 2.
Tiếp tục xuôi ghe trên sông Sài Gòn, đoạn từ quận Bình Thạnh về quận 7, chúng tôi nhận thấy hễ chỗ nào gần bờ sông thì nơi đó sẽ có những chung cư hàng chục tầng, trong đó không ít chung cư chiếm bờ làm khu vực riêng và che khuất tầm nhìn.
Trò chuyện với chúng tôi, nhiều người dân địa phương cho hay, hầu hết các công trình xây dựng bên sông đều đã hoạt động vài năm. Hiện tại, cũng có một số công trình đang trong quá trình xây dựng. “Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri. Chúng tôi đã phản ánh về các công trình xây dựng lấn sông Sài Gòn nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái xử lý. Do đó, nhiều công trình mới lại cứ ngang nhiên mọc lên. Chúng tôi bức xúc ở chỗ, một công trình phụ của nhà dân vài mét vuông thì bị phát hiện xử lý và buộc tháo dỡ, trong khi các công trình quy mô lớn lại không bị xử lý” anh Bảo hiện sinh sống tại quận Bình Thạnh bức xúc.
Anh Lễ sinh sống ở quận 7 chia sẻ: “Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần khẩn trương có giải pháp hiệu quả nhằm cứu lấy hệ thống kênh rạch và phát huy vai trò thoát nước, giao thông thủy, tạo cảnh quan của chúng. Trước hết cần ngăn chặn ngay các công trình, dự án lấp, lấn chiếm kênh rạch, trong đó, chú ý các khu vực “nguồn” của kênh rạch (như đồng ruộng, các dòng nước nhỏ...) bởi khi mất “nguồn” thì dù kênh rạch không bị lấn chiếm cũng sẽ giảm hoặc mất dòng chảy, dẫn đến bị bồi lắng và... tự chết.”
Nhóm phóng viên trên hành trình quyết tâm thực hiện phóng sự.
Chia tay ông ba Chúc bước lên bờ, và khi gõ những dòng đầu tiên cho loạt phóng sự này, chúng tôi tưởng như giọng ông vẫn văng vẳng bên tai xen lẫn tiếng xình xịch của động cơ ghe máy :” Tui thấy báo chí viết nhiều rồi, nhưng chưa ăn thua. Mấy chú phải điểm mặt cho bằng được những kẻ đang lấn chiếm bờ sông Sài Gòn, đang bức tử nó từng ngày thì may ra mới cứu được con sông, cứu được cảnh quan đôi bờ…”
Vâng! Nhất định phải điểm mặt cho bằng được!
Lê Vũ – Bảo Trần