1. Hội gò Đống Đa

Những lễ hội không thể bỏ qua ở miền Bắc trong tháng Giêng - Hình 1

Hội gò Đống Đa diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 Tết tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.

Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng áo vải trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất. Hội gò Đống Đa chỉ mở trong một ngày duy nhất

2. Lễ hội chùa Hương

Những lễ hội không thể bỏ qua ở miền Bắc trong tháng Giêng - Hình 2

Chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là lễ hội thu hút sự chú ý nhiều nhất của nhân dân cả nước mỗi dịp Tết đến xuân về và cũng là lễ hội dài nhất cả nước.

Chùa Hương khai hội từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Khách thập phương về đây không chỉ để lễ bái mà còn để ngao du thưởng ngoạn phong cảnh sơn thủy hữu tình.

3. Lễ hội đền Gióng

Những lễ hội không thể bỏ qua ở miền Bắc trong tháng Giêng - Hình 3

Khai hội vào ngày 6/1 âm lịch hằng năm. Lễ hội đền Gióng được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Theo truyền thuyết đây chính là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi bay về trời.

Hiện tại, khu di tích gồm: đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, tượng đài thánh Gióng, chùa Non nước và các lăng bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc.

Năm 2011 Hội Gióng (gồm 2 lễ hội chính tại Sóc Sơn và tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, HN) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

4. Lễ hội Yên Tử

Lễ hội Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) sẽ chính thức khai hội vào ngày 10/1 âm lịch.

Ngoài những nghi lễ truyền thống như dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an còn có các tiết mục nghệ thuật truyền thống, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử… Sau Chùa Hương, Lễ hội Yên Tử được đánh giá là một trong những lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương về dự nhất.

5. Lễ hội đền Trần

Hội đền Trần bắt đầu bằng lễ khai ấn từ giờ Tý (nửa đêm) ngày rằm tháng Giêng (từ 11 giờ đêm 14 đến 1 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng) là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông.

Nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin được tờ ấn với mong muốn được thăng tiến trong sự nghiệp.

Ở cả 3 đền trong đền Trần, gồm: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa thường xuyên diễn ra các lễ hầu đồng hay lên đồng.

6. Lễ hội Lim

Những lễ hội không thể bỏ qua ở miền Bắc trong tháng Giêng - Hình 4

Ngày chính Hội Lim là 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc.Hội Lim là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc với dân ca quan họ nổi tiếng. Các làng quan họ xung quanh mang liền anh, liền chị tới hát giao duyên, hát đối đáp, thi hát với nhau ở trên bề, dưới bến. Trước ngày chính Hội thường, trong đêm 12 thường có canh hát quan họ thâu đêm, thu hút rất nhiều du khách về dự.

 7. Lễ hội Bà chúa Kho

Đền bà chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngày khai hội vào 14/1 âm lịch. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) "cầu tài phát lộc".

Theo truyền thuyết, Bà Chúa Kho là người phụ nữ chịu khó, sau khi lấy vua nhà Lý, bà xin vua cho về vùng Vũ Ninh chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang, tổ chức sản xuất ở 72 trang ấp. Bà còn trông nom kho lương thực, bảo quản tốt quân lương trong và sau chiến thắng quân Tống ở sông Như Nguyệt (sông Cầu) năm 1076. Khi Bà qua đời, mộ của bà được đưa về thôn Quả Cảm (xã Hòa Long, TP Bắc Ninh) nơi bà sinh ra.

Còn ở các trang ấp đều có đền thờ. Tại xã Cổ Mễ, nhân dân làm đền thờ bà Chúa tại núi Kho, nên còn có tên là đền thờ bà Chúa Kho.

8. Hội chọi trâu Hải Lựu

- Hội chọi trâu Hải Lựu: ở xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc được mở hàng năm vào ngày 17 tháng Giêng, là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của con cháu Triệu Đà, nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, Sông Lô - Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ, trâu sau khi chọi được giết để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó. 

9. Lễ hội Thổ Hà

Đến hẹn lại lên cứ vào 20 đến 22 tháng Giêng hằng năm Làng Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang) lại từng bừng náo nức tổ chức Lễ hội Thổ Hà.

Đây là lễ hội năm nào cũng tổ chức nhưng ba năm một lần mới mở hội lớn có lễ rước. Lễ hội này còn duy trì được nhiều nét bản sắc độc đáo của lễ hội xứ Bắc.

Lễ hội Thổ Hà là một trong những lễ hội vẫn còn giữ gìn được nhiều trò chơi dân gian và hiện đại như chọi gà, bơi chải, chèo thuyền bắt vịt, đấu cờ tướng, đặc biệt các màn hát quan họ… luôn thu hút đông đảo du khách theo dõi

Hằng Vương (t/h)