Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (22,5 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,45 tỷ USD)...
Hiện cả nước đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD và tăng trưởng cao nhất vẫn thuộc nhóm công nghiệp chế biến. Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (22,5 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,45 tỷ USD); hàng dệt, may (13,42 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (7,8 tỷ USD); giày dép các loại (7,79 tỷ USD).
(Ảnh minh họa)
Đáng chú ý, năm 2017, mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu tăng mạnh, nhất nhóm hàng rau quả thì từ đầu năm đến nay, nhóm hàng này vẫn tăng trưởng xuất khẩu tốt, ước tăng 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt kim ngạch 2,01 tỷ USD; thủy sản ước tăng 11%, đạt kim ngạch 3,96 tỷ USD;
Hạt điều và gạo ước có mức tăng trưởng cao cả về lượng và kim ngạch đều đạt trên 1 tỷ USD. Tính chung nhóm hàng nông sản, thủy sản, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 13,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, giá xuất khẩu nông sản trong năm 2018 không còn là yếu tố thuận lợi tác động đến tăng trưởng xuất khẩu. Thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu một số mặt hàng nông sản đã giảm mạnh làm giảm kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng như: cà phê, hạt tiêu, cao su...
"Riêng nhóm nông sản, thủy sản, giá xuất khẩu giảm đã làm kim ngạch giảm 431 triệu USD, trong khi lượng xuất khẩu tăng góp phần kim ngạch tăng 860 triệu USD"- Bộ Công Thương cho biết.
Hiện nay, những doanh nghiệp điện tử, công nghệ thông tin lớn nhất thế giới đã có mặt tại Việt Nam, đóng góp lớn vào xuất khẩu. Tuy nhiên, có nhận định cho rằng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sẽ giảm dần trong các tháng cuối năm do nhiều nguyên nhân.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung Quốc vừa nổ ra, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, cần định hướng nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, trong đó tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý chính sách tạm nhập tái xuất của Việt Nam, nhất là trong thời điểm xung đột thương mại tác động trực tiếp đến quan hệ Việt Nam và các nước láng giềng; Cẩn trọng với nguy cơ lớn về hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cuộc chiến này không thể là cơ hội cho Việt Nam, bởi lẽ độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn, những diễn biến như vậy chắc chắn tác động đến Việt Nam.
Bảo Ngọc T/h