Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá
Về công tác chỉ đạo điều hành giá 9 tháng đầu năm 2017, Phó Thủ tướng kết luận đã có sự phối hợp điều hành chặt chẽ và chủ động giữa các bộ, ngành, địa phương dưới sự chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Công tác dự báo đã được các Bộ, ngành tăng cường chú trọng, trên cơ sở đó đã điều hành giá sát với kịch bản dự báo nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát, tạo dư địa thuận lợi cho việc điều hành giá một số mặt hàng nhà nước còn quản lý.
Kết quả cụ thể: CPI bình quân 9 tháng đầu năm, tăng 3,79% so cùng kỳ năm trước. CPI tháng 9 năm so với tháng 12 năm 2016 chỉ tăng 1,83%. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng 1,45%, thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch cả năm (trong khoảng 1,6% - 1,8%).
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm cho thấy, về cơ bản, lạm phát năm 2017 có nhiều khả năng đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra ở mức dưới 4%. Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm vẫn còn một số yếu tố tác động lên mặt bằng giá như áp lực tăng giá của một số mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu trong thời điểm cuối năm, nhu cầu hàng hóa gia tăng để sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ các dịp lễ, Tết và tình hình phức tạp của thiên tai, thời tiết.
Do đó, công tác điều hành giá phải thận trọng, tính toán kịch bản cụ thể, chi tiết kiểm soát lạm phát bình quân ở mức dưới 4%, góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời tiếp tục thực hiện đưa giá các mặt hàng thiết yếu (y tế, giáo dục, điện) theo lộ trình giá thị trường.
Phương hướng điều hành giá với một số mặt hàng thiết yếu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có yêu cầu cụ thể với các bộ, ngành.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản. Phối hợp với Bộ Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lúa gạo, thực phẩm, đường, muối nhằm ổn định thị trường nhất là trong thời điểm Tết Dương lịch và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật, đánh giá tình hình thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và tác động đến giá hàng nông sản do thiên tai, lũ lụt trong thời gian vừa qua báo cáo Phó Thủ tướng – Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đồng thời gửi Bộ Tài chính để tổng hợp phục vụ cho việc xây dựng kịch bản điều hành giá.
Đối với Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá điện trình Chính phủ quyết định. Trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể, đồng thời kết hợp đồng bộ với các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng khác để bù đắp cho mức giảm tốc độ tăng GDP tương ứng.
Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục điều hành giá xăng dầu trong nước theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ, sử dụng Quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, nhất là trong các thời điểm cận lễ, Tết hoặc các thời điểm mà giá xăng dầu đã tăng nhiều kỳ liên tục để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát.
Còn Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn các địa phương hoàn thành việc điều chỉnh mức giá ngay trong năm 2017 theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp.
Đồng thời, Bộ Y tế cần theo dõi, chỉ đạo quyết liệt, sát sao việc nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Ngoài ra, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội và Bộ Tài chính thực hiện tính toán, báo cáo Chính phủ lộ trình điều chỉnh phù hợp và các giải pháp để bảo đảm khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế khi thực hiện lộ trình điều chỉnh giá.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nắm bắt, đánh giá việc điều chỉnh học phí của các cơ sở giáo dục đại học và dạy nghề trong năm 2017 so với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập để có những định hướng điều chỉnh giá phù hợp cho năm 2018.
Bộ Giáo dục phối hợp với các địa phương đánh giá kĩ tình hình thực hiện mức giá hiện hành so với khung, trần học phí được quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021 để xây dựng kịch bản điều hành giá trong các năm tiếp theo cũng như để đưa ra kiến nghị, sửa đổi Nghị định số 86/2015/NĐ-CP phù hợp với thực tế thực hiện.
Hưng Khánh