THCL - Theo cách tính toán của Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành: Năm 2017, lạm phát có thể lên đến 5,9%. Đây là những tính toán của riêng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, dựa trên các số liệu về kinh tế.

Tại Hội thảo công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV/2016 và triển vọng kinh tế năm 2017 diễn ra ngày 16/1, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, năm 2017 có thể mục tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt như chỉ tiêu 6,7% như đề ra mà ước tính chỉ đạt 6,4%. Theo Tiến sỹ Thành, đây là một ngưỡng quá cao và là mục tiêu tương đối tham vọng đòi hỏi quyết tâm lớn và điều kiện thuận lợi mới đạt được. Ông cũng khuyến cáo, Chính phủ vẫn nên duy trì tâm lý tránh nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao dẫn đến buông lỏng ổn định vĩ mô.

Dự đoán về tình trạng lạm phát của kinh tế Việt Nam năm 2017 - Hình 1

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách

Trước đó, tại phiên họp Quốc hội khóa XIV ngày 7/11, Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 với 12 chỉ tiêu. Trong đó, mục tiêu lạm phát là một trong số đó với mức chỉ là 4%.

Ngay sau đó, đã có nhiều chuyên gia lên tiếng lo ngại rằng đây có thể là một mục tiêu khó cho chúng ta thực hiện trong năm 2017. Báo chí chỉ ra điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2017, được kỳ vọng là hoạt động của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt khối doanh nghiệp chế biến chế tạo.

Doanh nghiệp đang có điều kiện phát triển thuận lợi khi Chính phủ mới bộc lộ rõ mối quan tâm trong cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh. Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ trong năm 2016 được kỳ vọng là sẽ giúp giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết cũng như hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.

Cũng  về điểm sáng của kinh tế Việt Nam 2017, TS. Nguyễn Đức Thành nhận định doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến, chế tạo được kỳ vọng là động lực của nền kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, cần phải có thời gian để đạt được sự phối hợp và nhất trí giữa các cơ quan thực thi 2 nghị quyết này.

Bên cạnh đó, theo ông Thành, kiểm soát chi ngân sách vẫn là một thử thách rất khó vượt qua, đặc biệt là với các khoản chi thường xuyên.

“Điều này dẫn đến tình trạng thu ngân sách chỉ đủ cho các khoản chi này, do đó Chính phủ buộc phải vay vốn để bù đắp thâm hút và tiếp tục đầu tư phát triển... Cuối cùng, nợ công sẽ ngày càng tăng cao”, ông Thành cho biết.

Ông Thành cũng cho biết thêm, kiểm soát chi ngân sách vẫn là một thách thức dường như rất khó vượt qua, đặc biệt đối với các khoản mục chi thường xuyên. Điều này dẫn tới tình trạng thu ngân sách chỉ đủ cho các khoản chi này, do đó Chính phủ buộc phải vay vốn để bù đắp thâm hụt và tiếp tục đầu tư phát triển, và cuối cùng là mức nợ công ngày càng tăng cao.

“Do vậy, chúng tôi cho rằng, Chính phủ cần phải thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên, đồng thời nên cắt bỏ những khoản hỗ trợ dành cho hoạt động nhờ vào NSNN như khu vực hội, đoàn thể...”, Tiến sỹ Thành nhấn mạnh.

Mặt khác, yếu tố bất định của nền kinh tế 2017 cũng là một trong những khía cạnh được viện VEPR nhấn mạnh trong báo cáo trình bày hôm nay.

Viện trưởng VEPR cho hay, năm 2017, kinh tế Việt Nam cần thận trọng ứng phó với những cú sốc mới từ bên ngoài. Trong đó, ngoài những vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế nội địa, tình hình kinh tế thế giới đầy bất trắc cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam.

 Việc FED tăng lãi suất sẽ có tác động đến kinh tế Việt Nam trong năm tới, một trong những thay đổi rõ rệt nhất là sự lên giá của đồng USD. Trong khi đó, đồng Việt Nam hiện vẫn đang được neo giữ với USD sẽ có xu hướng tăng giá thực với các đồng còn lại.

“Điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại trong năm tới”, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành chia sẻ.

Hay như việc các nước xuất khẩu dầu đạt được sự đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng khai thác kể từ 1/2017 cũng có tác động đến kinh tế Việt Nam. Dù việc này có thể làm lợi cho cán cân ngân sách nhưng giá dầu tăng trở lại cũng có thể tạo sức ép lên lạm phát trong trong nước.

Cuối cùng, ảnh hưởng của việc ông Donald Trump phản đối ký kết TPP có thể khiến làn sóng FDI vào Việt Nam suy giảm. Điều này có thể gây ra một số hệ luỵ nhất định, đòi hỏi Việt nam phải có sự cải cách tốt hơn tạo động lực tăng trưởng.

Ngọc Linh