Ở Trung Đông, cuộc rút quân vội vã của Mỹ đã khiến một số đồng minh Arab đánh giá lại lập trường của họ và đã có các động thái làm giảm căng thẳng trong khu vực bằng cách xoa dịu các đối thủ cũ của họ là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Khu vực này hiện đang trong quá trình diễn ra một số thay đổi chiến lược tinh tế có nhiều triển vọng cho một môi trường ổn định hơn, đặc biệt là ở Vịnh Ba Tư.

Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan đang tạo ra nhiều thay đổi chiến lược ở Trung Đông. Nguồn: Aspistrategist
Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan đang tạo ra nhiều thay đổi chiến lược ở Trung Đông. Nguồn: Aspistrategist

Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan và Taliban trở lại nắm quyền đã làm hài lòng và củng cố vị thế của các bên đối địch như Iran, Nga và Trung Quốc, và thậm chí cả Pakistan.

Đồng thời, việc Mỹ rút quân cũng củng cố những nghi ngờ của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về Mỹ và cảnh báo một số quốc gia Arab vùng Vịnh được Mỹ hậu thuẫn về sự không đáng tin cậy của Mỹ với tư cách là nhà đảm bảo an ninh. Việc ông Erdogan không tin tưởng Washington không phải là mới. Sự thất vọng của nhà lãnh đạo này với các đồng minh NATO đã gia tăng trong nhiều năm qua.

Ông Erdogan đã chỉ trích Mỹ ủng hộ người Kurd ở Iraq và Syria, cũng như việc Washington đã không hỗ trợ đầy đủ cho Ankara trong việc ngăn dòng người tị nạn Syria. Ông Erdogan nhận thấy việc Thổ Nhĩ Kỳ nghiêng về phía Nga và Trung Quốc là phù hợp về mặt chiến lược.

Thương mại song phương hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và Trung Quốc đã gia tăng thời gian gần đây. Mối quan hệ quân sự giữa Ankara và Moscow cũng phát triển chưa từng có, với việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga bất chấp sự phản đối gay gắt của Mỹ. Đáp trả việc bị Mỹ loại khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua thêm S-400 và mời Nga xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Trong khi đó, ông Erdogan tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông. Xây dựng quan hệ thân thiết chiến lược với Qatar nhỏ bé, giàu dầu mỏ nhưng có ảnh hưởng, ông Erdogan đã ủng hộ quyền lợi chính trị của người Palestine, thách thức Israel và một số quốc gia Arab.

Thất bại của Mỹ tại Afghanistan đã thay đổi bức tranh khu vực. Saudi Arabia và các đồng minh của nước này trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), đặc biệt là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đang đánh giá lại quan điểm của mình. Họ nhận thấy có lợi khi cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Qatar. Riyadh đã khai tử mối quan hệ đối đầu trong quá khứ và chuyển sang khôi phục quan hệ với Iran; Abu Dhabi tìm cách nâng cấp và mở rộng quan hệ với Tehran và Doha; và đối thoại nghiêm túc để cải thiện quan hệ đang được tiến hành giữa Abu Dhabi và Ankara.

Lần đầu tiên kể từ khi Saudi Arabia cắt đứt quan hệ với Iran vào tháng 1/2016, Ngoại trưởng hai nước đã gặp nhau tại Baghdad vào tháng trước tại một hội nghị do chính quyền Iraq và Pháp tổ chức. Có thông tin cho biết hai bên đang tiến tới thiết lập lại mối quan hệ. Đồng thời, triển vọng về bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ-UAE và UAE-Qatar cũng trở nên rõ ràng hơn.

Riyadh và Abu Dhabi cũng đang tìm kiếm các mối quan hệ rộng rãi và thân thiện hơn với Nga và Trung Quốc. Điều này không hẳn đánh dấu sự kết thúc vai trò của Mỹ với tư cách là một nhân tố quan trọng truyền thống trong khu vực. Về cơ bản, nó chứng tỏ thất bại ở Afghanistan của Mỹ đã làm thay đổi một loạt các mối quan hệ trong khu vực.

Thất bại của Mỹ ở Afghanistan cho thấy việc Mỹ thống trị Trung Đông trong phần lớn thời kỳ sau Thế chiến II đang dần bị thu hẹp. Quá trình này có thể được đẩy nhanh với lời hứa của Tổng thống Biden sẽ rút 2.500 lính Mỹ khỏi Iraq vào cuối năm nay./.

Theo CTV Lê Ngọc/VOV.VN (biên dịch)