Nhiều thuận lợi và dư địa tăng trưởng
Trong tháng cuối năm, hoạt động xuất khẩu dự báo có nhiều thuận lợi và dư địa tăng trưởng do lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt, nhu cầu thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục theo làn sóng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương.
Cụ thể:
Kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo là “hạ cánh an toàn”, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế của một số đối tác lớn của Việt Nam có nhiều khác biệt.
Tình hình tài khóa - tiền tệ toàn cầu đang có dấu hiệu nới lỏng hơn khi các chính sách tài khóa tại nhiều quốc gia trở nên hỗ trợ tăng trưởng hơn; Quý III/2024 đánh dấu sự phục hồi tích cực của thương mại toàn cầu (mặc dù không đồng đều giữa các ngành và khu vực).
Xu hướng lạm phát toàn cầu đang dần hạ nhiệt mặc dù vẫn còn nhiều thách thức (ngày 18/9/2024, FED đã cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, lần đầu tiên sau hơn 4 năm nhằm kích cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh; Ngày 7/11/2024, FED tiếp tục cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phầm trăm, nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa); sức ép lên tỷ giá USD/VND giảm khi FED cắt giảm lãi suất, góp phần giảm chi phí nhập khẩu.
Nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Mỹ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may (các nhà bán lẻ toàn cầu tăng cường dự trữ hàng hóa cho các dịp lễ lớn). Ngoài ra, xuất khẩu dệt may của nước ta sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn khi các đơn hàng xuất khẩu được dịch chuyển từ Bangladesh.
Thị trường các FTA tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư…
Ở trong nước, các số liệu vĩ mô trong những tháng gần đây về tăng trưởng GDP, về chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), về chỉ số quản trị mua hàng (PMI), về đơn hàng xuất khẩu, FDI giải ngân,… cũng cho thấy bức tranh xuất khẩu khả quan trong những tháng cuối năm 2024 (một số tổ chức quốc tế và ngân hàng nước ngoài liên tiếp điều chỉnh dự báo về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 theo hướng tích cực hơn).
Cộng đồng doanh nghiệp đang quyết tâm tận dụng đà tăng trưởng xuất khẩu trong quý cuối của năm với lợi thế về thị trường, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong khi, nhu cầu của các thị trường nhập khẩu cuối năm có xu hướng tăng nhằm đáp ứng tiêu dùng dịp lễ tết, đặc biệt nhu cầu đối với nhóm hàng may mặc, giày dép, điện tử và nông lâm thủy sản…
Những rủi ro và thách thức
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng chỉ ra nhiều rủi ro và thách thức khó đoán định:
Thứ nhất, tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề, cạnh tranh gia tăng (nhất là từ các đối thủ như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan), các nước phát triển áp dụng nhiều tiêu chuẩn, quy định mới, khắt khe hơn về chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu; Giá cước vận tải biển chưa có xu hướng hạ nhiệt. Kế hoạch tăng thuế của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể dẫn đến tình trạng thu gom hàng “chạy thuế”, làm nhu cầu và giá cước vận chuyển container tăng mạnh).
Thứ hai, thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro như xung đột tại Trung Đông, Nga-Ucraina, các chính sách bảo hộ và đặc biệt là nguy cơ xung đột thương mại lan rộng và leo thang khi Mỹ nâng thuế và các nước trả đũa (như đã từng xảy ra trong nhiệm kỳ trước của ông Trump).
Thứ ba, một số thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi chậm, như tại Mỹ (do Chính phủ Mỹ không còn nhiều dư địa ở chính sách tài khóa để kích thích tăng trưởng kinh tế sau thời gian dài thắt chặt tiền tệ. Ngoài ra, việc tăng thuế như dự kiến sẽ làm tăng lạm phát, chính sách kiểm soát chặt nhập cư gây áp tới thị trường lao động, chuỗi cung ứng); và tại Trung Quốc (do nguy cơ xung đột thương mại với Mỹ).
Ở trong nước, sức cầu tiêu dùng phục hồi chậm, có xu hướng chậm dần tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019).
Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, trong thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ như: Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế; Tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA); Phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước…
Minh Anh