THCL Ô nhiễm môi trường, khói đen, mùi khét nồng nặc khó chịu, người dân vừa xem ti vi vừa đeo khẩu trang, đi ngủ, ăn cơm cũng phải đeo khẩu trang... Đó là những gì đang diễn ra tại nhà máy xử lý phế thải cao su và plastic (Công ty TNHH MTV công nghiệp Hạ Long) xã Xích Thổ, Nho Quan, Ninh Bình.
Lốp ô tô đã qua sử dụng chất đống chờ tái chế
Người dân “sống chung với lũ ô nhiễm”
Theo phản ánh của người dân địa phương, từ khi nhà máy trên đi vào hoạt động (năm 2013) thì người dân tại các thôn Liên Minh, Lạc Long, Minh Long (Xích Thổ, Nho Quan, Ninh Bình) và xã Yên Bồng (Lạc Thủy, Hòa Bình) phải hứng chịu cảnh “sống chung với lũ” vì ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường không khí “khét lẹt” suốt cả ngày, đặc biệt là từ nửa đêm về sáng (thời điểm NM xả dầu ép lốp ô tô đã qua sử dụng) thành nhiên liệu dầu FO-R để phục vụ Công ty CP Kính nổi Chu Lai – Indevco (Quảng Nam).
Người dân đeo khẩu trang, phòng độc ô nhiễm xem ti vi
Bà Đặng Thi Sen, thôn Minh Long(Xích Thổ, Nho Quan, Ninh Bình) cho biết, người dân ở đây phải chịu cảnh này đã lâu rồi, cả thôn hiện có khoảng gần 200 hộ dân, ngày nào cũng phải hít thở bầu không khí ô nhiễm nồng nặc, khó chịu, đi cấy, đi làm đồng…mọi việc sinh hoạt của nhân dân đều phải đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe, đã nhiều lần họp HĐND bà con đã kiến nghị lên chính quyền địa phương có giải pháp để việc tái chế của nhà máy phải bảo đảm môi trường, nhưng kêu mãi có được gì đâu…?!
Cùng tâm trạng bức xúc trên, ông Vũ Văn Hạnh, thôn Quyết Tiến (Yên Bồng, Lạc Thủy, Hòa Bình) khó chịu: “Suốt ngày đêm, mùi đốt lốp từ trong núi bay ra khét và khắm khó chịu lắm, khi đốt cứ phải đóng cửa hết lại mà mùi nó khiếp, đã có nhiều đoàn về hỏi, kiểm tra, nhưng rồi đâu lại vào đó, người dân thì hàng ngày vẫn phải hít phải thứ không khí ô nhiễm độc hại, không biết sức khỏe sau này sẽ thế nào, kiến nghị các cơ quan chức năng phải khẩn trương vào cuộc, có giải pháp để chấm dứt tình trạng này”.
Ông Võ Văn Quý, Thôn Mạnh Tiến 1 (Yên Bồng, Lạc Thủy, Hòa Bình) cho hay, từ ngày có nhà máy hoạt động tại đây, người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, ô nhiễm không thể chịu được, nhà luôn trong tình trạng đóng kín cửa vì mùi khí khói đen, khét mù. Trước kia gần 30 hộ dân trong thôn vẫn phải mua nước sinh hoạt đấu từ xã Xích Thổ về, nhưng nay nguồn nước có váng dầu đen, mùi khó chịu, chúng tôi không dám dùng nữa, mà phải ăn bằng nước giếng, có lẽ người dân phải tổ chức biểu tình thì họ mới lắng nghe được!
Cơ quan chức năng đang ở đâu?
Nhà máy trên được xây dựng nằm sâu trong núi tại Thung Súa (Xích Thổ, Nho Quan, Ninh Bình) cách con sông Bôi. Công ty Hạ Long trang bị cả con phà để hàng ngày các xe container chở lốp ô tô đã qua sử dụng về đi vào núi bằng đường duy nhất là phà, mọi hoạt động ra vào được kiểm soát nghiêm ngặt, chỉ có người của công ty mới được đi, người dân đến gần đều bị bảo vệ can thiệp, mời tránh xa khỏi nơi đây, vì thế người dân địa phương (nếu không phải là công nhân nhà máy) sẽ không biết được bên trong đơn vị hoạt động thế nào.
Dù mới hoạt động ở địa phương thời gian nhưng lò đốt lốp của NM đã xảy ra nhiều sự cố. Năm 2015, anh NTT, công nhân lao động không hợp đồng, không BHXH trong lò đốt đã gặp tai nạn tử vong, để lại mẹ già, vợ trẻ và 2 con nhỏ. Gần đây một số công nhân khác lại bị bỏng.
Quan sát của PV cho thấy, chiếc xe cứu thương liên tục có mặt bên bến thuyền. Theo phản ánh của người dân, mỗi khi xảy ra tai nạn, chiếc xe nhanh chóng đưa nạn nhân “đi đâu không rõ”, và công ty cũng xử lý sự cố rất chu đáo và kín kẽ.
Để tìm hiểu sự việc, PV đã có buổi làm việc với ông Bùi Tuấn Vương, Chủ tịch UBND xã Xích Thổ (Nho Quan, Ninh Bình), được biết: nhà máy hiện có 24 lò nhiệt phân (tách phân tử từ lốp cũ để thành nhiên liệu dầu FO-R), cả xã hiện có 10 thôn, trong đó có 03 thôn với khoảng 600 hộ dân nằm cạnh sát nhà máy là chịu ảnh hưởng về môi trường nhiều nhất là (Liên Minh, Lạc Long, Minh Long). Sự việc này là đúng, địa phương cũng đã có kiến nghị lên cấp trên và nhiều lần đề nghị nhà máy có giải pháp xử lý dứt điểm việc này để bảo đảm môi trường cho khu dân cư, việc này xã không đủ thẩm quyền giải quyết, ông Vương cho biết thêm.
Tiếp tục tìm hiểu thông tin, làm rõ vấn đề, PV cũng đã liên hệ làm việc với ông Đinh Thanh Lam, GĐ Công ty TNHH MTV Công nghiệp Hạ Long thì vị này cáo lỗi với lý do “đang đi khám bệnh”…(?!).
Trước thực trạng báo động về ô nhiễm môi trường tại nhà máy xử lý phế thải cao su và plastic, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của nhân dân, đề nghị các cấp, ngành liên quan sớm vào cuộc, kiểm tra thực tế tình hình, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh đúng quy định, làm yên lòng cư dân.
Thương hiệu & Công luận tiếp tục cập nhật, thông tin đến bạn đọc!
Nguyễn Kiên – Dương Tú