Nông sản Việt: Giải cứu… giải cứu! - Hình 1

Từ đầu năm 2017 tới nay, cả nước đã phải ba lần chung tay giải cứu nông sản cho người nông dân

Vẫn một… “điệp khúc” thôi!

Cuối tháng 2, nông dân nhiều địa phương trồng chuối điêu đứng vì giá bán tại vườn 14.000 - 17.000 đồng/kg, giảm thê thảm chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/kg. Nhiều vườn không có thương lái đến mua, bà con đành để hàng trăm tấn chuối chín hư, làm thức ăn cho gia súc.

Cách đây vài tuần, tại Quảng Ngãi, giá dưa hấu xuống chỉ còn 1.000 đồng/kg, người trồng không muốn thu hoạch, nhiều ruộng dưa chờ đến nứt toác vẫn không có người mua. Cũng tại địa phương này, giá ớt giảm từ 40.000 đồng/kg từ vụ trước, xuống 10.000 đồng/kg vụ này, người thu mua cũng chẳng mặn mà.

Đặc biệt, mới đây nhất, người nuôi heo từ Nam ra Bắc chịu cảnh rớt giá heo hơi từ mức giá 50.000 đồng/kg, giảm còn 24.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ bán dưới 20.000 đồng/kg, heo tồn đọng bán không ai mua dẫn tới tình trạng thua lỗ nặng nề.

Hàng trăm ha ớt và dưa hấu rớt giá thê thảm, giá thịt lợn hơi giảm sâu kỷ lục, chỉ là một “góc nhỏ” trong bức tranh nông sản “được mùa mất giá” những năm gần đây. Nguyên nhân chính khiến giá các loại nông sản giảm mạnh, nông dân thua lỗ do thị trường Trung Quốc ngừng thu mua đột ngột, thương lái ép giá.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, việc sản xuất chạy theo phong trào, thấy giá tăng thì nông dân đổ xô vào nuôi trồng khiến nhiều nông sản luôn trong tình trạng rớt giá, “dội chợ”. Mặt khác, do thiếu quy hoạch, định hướng, tổ chức lưu thông phân phối sản phẩm từ các địa phương…

Trong khi DN trong nước chưa quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, do lợi nhuận không lớn. Việc nông sản chỗ thừa, chỗ thiếu đã tạo nên tình trạng căng thẳng giả trên thị trường.

Cần giải quyết tận gốc

Việc cộng đồng tình nguyện vào cuộc giải cứu nông sản chỉ là giải pháp tạm thời. Không thể để tình trạng mỗi khi nông sản mất giá thì lại… “giải cứu”. Cần phải có những giải pháp bài bản, khoa học, mang tính lâu dài.

Trước hết, cần nghiên cứu về những loại nông sản mang lại giá trị kinh tế bền vững, chú trọng những mô hình kinh tế thành công để nhân rộng. Chúng ta đang quá lệ thuộc vào thị trường XK trong khi thị trường nội địa đầy tiềm năng. Việc tìm đầu ra, tổ chức các kênh phân phối và lưu thông nông sản đang là thách thức lớn và nhiệm vụ thiết yếu nhất.

TS. Võ Thị Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, việc giải cứu nông sản ế cần phải có giải pháp tổng thể; phải thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất mới giải quyết được tình trạng dư thừa.

Lâu nay, nông dân thấy thứ gì giá cao thì đổ xô vào nuôi trồng, ít quan tâm đến nhu cầu thị trường như thế nào, bán đi đâu… Nếu không thay đổi được điều này thì vẫn trong vòng luẩn quẩn… “được mùa mất giá”.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng: NTD sẵn sàng mua táo, nho và nhiều nông sản NK khác giá cao, ngoài chất lượng ngon và mới lạ, họ còn tin tưởng về tiêu chí sạch.

“Nếu ngành chăn nuôi và trồng trọt đáp ứng được theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP. để nông sản, sản phẩm chăn nuôi có chất lượng tốt, vừa tiêu thụ trong nước và có thể XK, thì hiệu quả sản xuất sẽ cao hơn”, ông Vang nói.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, TGĐ Công ty CP Vinamit, Nhà nước nên có chính sách chú trọng xây dựng khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch nông sản trở thành một trong những giải pháp chính để hỗ trợ tiêu thụ, giúp sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững hơn.

“Việc đầu tư vào ngành chế biến nông sản từ các kho mát, trữ đông ngay tại vùng nguyên liệu, nếu Nhà nước không làm được thì nên khuyến khích DN tư nhân tham gia vào lĩnh vực này, với cơ chế hỗ trợ lãi suất vay khoảng 1%/năm chẳng hạn; đồng thời hỗ trợ quỹ đất, tăng cường XTTM, quảng bá nông sản ra thị trường thế giới”, ông Viên nêu.

Việc xây dựng thương hiệu nông sản đang là rào cản khiến tiêu thụ gặp khó. Nhiều sản phẩm đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước, đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, nhưng vẫn có đến hơn 80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, đặc biệt nhiều sản phẩm phải bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Do vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản là một trong những giải pháp phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp phải hướng đến.

Phan Chinh