Còn nhiều hạn chế, bất cập
Mặc dù tiềm năng, cũng như nhu cầu đối với các sản phẩm có lợi thế của các địa phương vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo của Việt Nam rất lớn; nhưng việc phát triển các sản phẩm này hiện còn nhiều hạn chế, như nhận thức và đánh giá về việc phát triển loại sản phẩm chưa đầy đủ, chưa có kế hoạch phát triển lâu dài, thiếu liên kết mang tính hệ thống trong quy trình đảm bảo chất lượng sản phẩm, thiếu sự đa dạng trong thiết kế và phát triển sản phẩm.
Xây dựng thương hiệu nông sản miền núi và hải đảo: Những rào cản cần khắc phục (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, hạn chế về cơ sở hạ tầng, giao thông, liên lạc giữa các địa phương vùng sâu, vùng xa, hải đảo... tới các thị trường tiêu thụ khiến việc thúc đẩy sản xuất, thương mại hàng hóa các mặt hàng có tiềm năng trong thời gian qua còn hết sức khó khăn.
Nhiều sản phẩm thế mạnh, tiềm năng của địa phương vẫn còn sản xuất với quy mô nhỏ, thủ công, chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm… theo yêu cầu, điều kiện cung ứng vào các hệ thống phân phối hiện đại.
Chính vì thế, rất ít sản phẩm được đăng ký, bảo hộ và xây dựng, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu tập thể. Các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa chú trọng khâu phát triển sản phẩm. Nhiều đặc sản nổi tiếng của chưa tiếp cận được phương thức và các kênh phân phối hiện đại để đến với thị trường trong nước và XK. Tất cả những hạn chế trên đã dẫn đến việc tiêu thụ hàng hóa rất khó khăn.
Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa
Theo các chuyên gia, thời gian tới, cần tiếp tục phân tích sâu các cơ hội thị trường và những thách thức, điều kiện cần phải vượt qua để đưa các sản phẩm thành những mặt hàng có mức độ thương mại hóa cao, khả năng cạnh tranh tốt.
Đồng thời, cần phối hợp với các địa phương để lựa chọn một số mặt hàng phù hợp, khả thi nhất cho việc phát triển các mặt hàng theo một trong 3 hướng: Khuyến khích, hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ đối với hàng hóa là lợi thế phát triển của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa là lợi thế phát triển của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thông qua hệ thống phân phối trên thị trường nội địa; đặc biệt là các kênh phân phối hiện đại, có tính ổn định cao và tiêu chuẩn cao như các siêu thị, các chuỗi cửa hàng tiện ích…; khuyến khích, hỗ trợ một số mặt hàng là lợi thế phát triển của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo XK ổn định ra thị trường quốc tế.
Đặc biệt, trong năm nay, cần tâp trung "Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa là lợi thế phát triển của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thông qua hệ thống phân phối trên thị trường nội địa”. Nhiệm vụ này cần được thực hiện tốt ngay từ việc xây dựng các chương trình kết nối cung cầu, đưa các hàng hóa này vào hệ thống phân phối trên thị trường nội địa, trong đó có các kênh phân phối hiện đại, được đảm bảo như các kênh siêu thị lớn, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch.
Nhiệm vụ nhằm cung cấp những thông tin đầu vào và căn cứ cho việc xây dựng chính sách và phát triển các sản phẩm có lợi thế của các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Công thương về thương mại biên giới và miền núi.
Cụ thể, khảo sát, đánh giá nhu cầu, khả năng phân phối và xác định các kênh phân phối phù hợp cho các hàng hóa này trên thị trường nội địa. Đề xuất được các giải pháp và hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa là lợi thế phát triển của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thông qua hệ thống phân phối trên thị trường nội địa; đặc biệt là các kênh phân phối hiện đại, có tính ổn định cao và tiêu chuẩn cao như các siêu thị, các chuỗi cửa hàng đặc sản…
Gia Linh