THCL - Đó là thông tin đáng chú ý về hoạt động xuất khẩu nông sản 5 năm gần đây (2012-2016) vừa được Tổng cục Hải quan công bố. Điều này khiến cho tỷ trọng xuất khẩu nông sản giảm từ 13% năm 2012, xuống chỉ còn gần 8,6% năm 2016 trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Biều đồ về trị giá kim ngạch xuất khẩu nông sản giai đoạn 2012-2016. Biểu đồ: T.Bình
Theo đó, số liệu xuất khẩu nông sản được tổng hợp từ giá trị xuất khẩu của 9 mặt hàng chủ lực là rau quả, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, gạo, cao su, sắn và sản phẩm từ sắn.
Từ con số xuất khẩu khoảng 14,9 tỷ USD vào năm 2012, trị giá xuất khẩu nông sản lại lao dốc và chỉ nhỉnh lên được khoảng 15,1 tỷ USD vào năm 2016, tăng khoảng 200 triệu USD so với 5 năm trước.
5 năm qua, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu chung vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao (bình quân 12,8%/năm) thì xuất khẩu hàng nông sản lại gặp nhiều khó khăn, chỉ tăng trung bình 2,4%/năm.
Trong các nhóm hàng nông sản xuất khẩu lớn, rau quả là nhóm hàng có mức tăng trưởng tốt và ổn định nhất. So với năm 2012, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này năm 2016 đã tăng gần ba lần, đạt 2,46 tỷ USD và là mặt hàng có kim ngạch lớn thứ ba trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Thời gian gần đây, một số mặt hàng rau quả của Việt Nam vượt qua hàng rào kỹ thuật để xuất khẩu sang 4 thị trường mới. Trong đó, có xoài đi Úc, thanh long đi Đài Loan, nhãn và vải đi Thái Lan. Ngoài ra, các cơ quan chức năng đang gấp rút hoàn tất các thủ tục cần thiết để mở cửa thêm nhiều thị trường mới cho trái cây Việt Nam.
Bên cạnh đó, xuất khẩu hạt tiêu, hạt điều cũng đạt mức tăng khá tốt, với mức tăng trung bình hơn 14%/năm trong giai đoạn 2012-2016.
Các nhóm hàng còn lại thấp, thậm chí chưa đạt được mức kim ngạch của năm 2012, như: Cà phê, chè, gạo, sắn và cao su… Trong đó, cà phê là nhóm hàng có nông sản có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong năm 2016 nhưng trong giai đoạn 2012-2016, đây lại là mặt hàng có nhiều biến động nhất, khi sản lượng, trị giá, đơn giá trung bình lên xuống thất thường qua từng năm.
Theo Hiệp hội lương thực (VFA), thị trường gạo trong nước đang đứng trước nỗi lo ngay từ đầu năm khi nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nước yếu, giá gạo giảm, nhiều bạn hàng truyền thống cũng tăng cường tự túc lương thực.
VFA cũng dự báo tồn kho gạo toàn cầu cũng lên mức cao nhất từ năm 2001 đến năm nay. Đáng chú ý, lượng gạo tồn kho ở các nước xuất khẩu chính giảm đáng kể, trong khi tăng ở các nước nhập khẩu và xuất khẩu nhỏ. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng giảm nhập khẩu và hạn chế các hợp đồng thương mại gạo.
Trong khi đó, các nước khu vực ASEAN, như Philippines, Malaysia, Indonesia đã giảm nhập khẩu gạo Việt Nam từ năm 2016, với lượng gạo xuất khẩu sang cả ba thị trường này chỉ đạt 10% trong năm 2016.
Ngoài gạo, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực khác cũng giảm cả lượng và kim ngạch trong tháng 1. Xuất khẩu hạt điều giảm 28% xuống 18 nghìn tấn, tương đương kim ngạch giảm 13% xuống 164 nghìn USD. Xuất khẩu hạt tiêu chỉ đạt 8 nghìn tấn, (giảm 13%), với kim ngạch là 62 triệu USD (giảm 31%). Đối với mặt hàng chè, xuất khẩu đạt 9 nghìn tấn (giảm 15%), tương đương kim ngạch đạt 12 triệu USD (giảm 20%).
Ngoài ra, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 243 nghìn tấn (giảm 38%) và kim ngạch đạt 60 triệu USD (giảm 44%).
Ngọc Linh