Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 113 – 115,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng mạnh 7,5 triệu đồng/lượng so với phiên hôm qua. Biên độ chênh lệch mua – bán vẫn giữ ở mức cao, 2,5 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI và Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng điều chỉnh giá theo xu hướng tương tự, với mức tăng 7,5 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều. Những người mua vào trong các phiên trước đó hiện đang tạm tính lợi nhuận lên đến hàng triệu đồng nếu bán ra trong sáng nay.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 112,5 – 115,5 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 7 triệu và 7,5 triệu đồng/lượng so với phiên giao dịch trước.
Không chỉ vàng miếng, giá vàng nhẫn cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục. SJC niêm yết vàng nhẫn 9999 ở mức 110 – 113,5 triệu đồng/lượng, tăng 7,5 triệu đồng mỗi chiều. DOJI điều chỉnh giá vàng nhẫn lên 110,5 – 113,5 triệu đồng/lượng, tăng 7,3 triệu đồng chiều mua và 7 triệu đồng chiều bán. Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu đưa giá vàng nhẫn lên 112 – 115 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 7,9 và 8 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới lập đỉnh mới, chênh lệch với trong nước lên hơn 10 triệu đồng
Theo dữ liệu từ Kitco, giá vàng thế giới sáng nay (theo giờ Việt Nam) giao ngay ở mức 3.311,01 USD/ounce, tăng tới 89,12 USD/ounce so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (26.010 VND/USD), giá vàng thế giới tương đương khoảng 104,87 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Như vậy, vàng miếng SJC đang cao hơn giá thế giới khoảng 10,63 triệu đồng/lượng.
Đà tăng của vàng quốc tế được thúc đẩy bởi sự suy yếu của đồng USD, căng thẳng thương mại và nỗi lo suy thoái toàn cầu. Ông Lukman Otunuga, chuyên gia tại FXTM, cho rằng sau khi vượt mốc 3.300 USD/ounce, vàng có thể tiếp tục hướng đến các mốc cao hơn như 3.400 USD hay thậm chí 3.500 USD. Tuy nhiên, giá có thể đảo chiều nếu xuất hiện các thông tin tích cực từ đàm phán Mỹ–Trung hoặc khi nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lời.
Căng thẳng leo thang sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu điều tra khả năng áp thuế toàn diện với khoáng sản nhập khẩu, nhằm tăng áp lực lên Trung Quốc. Đồng thời, USD rơi xuống mức thấp nhất trong ba năm so với các đồng tiền chủ chốt, càng làm tăng sức hấp dẫn của vàng như một tài sản trú ẩn.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng gần 700 USD/ounce, nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất, chiến tranh thương mại và lực mua mạnh từ các ngân hàng trung ương.

Chuyên gia cảnh báo "sốt vàng" tiềm ẩn rủi ro lớn
Theo ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính, việc giá vàng trong nước tăng mạnh chủ yếu do tâm lý kỳ vọng giá còn tăng tiếp, đặc biệt với vàng miếng SJC và vàng nhẫn. Điều này khiến khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục giãn rộng.
Còn theo Ông Trần Hữu Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý AJC lại cho rằng giá vàng trong nước đang "tăng nóng", tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mức chênh lệch với giá thế giới đã lên tới 10 triệu đồng/lượng. “Xu hướng hiện tại phụ thuộc lớn vào diễn biến thị trường thế giới và hoàn toàn có thể đảo chiều bất ngờ”, ông Đang cảnh báo.
Trước mức tăng đột biến, không ít người đặt nghi vấn liệu giá vàng SJC có đang bị làm giá? Ông Phan Dũng Khánh lý giải, sau khi Ngân hàng Nhà nước triển khai chính sách ổn định thị trường vàng, mức chênh lệch giá vàng SJC trong nước và thế giới từng thu hẹp còn 2 - 3 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, hiện nay mức chênh lại vượt mốc 10 triệu đồng/lượng, nhưng đây mới chỉ là diễn biến ngắn hạn. “Cần quan sát thêm trước khi có hành động can thiệp”, ông Khánh nhận định.
Phương Thảo(t/h)