Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp ngành may đã có đơn hàng hết quý III/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV - mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn phải đối diện khó khăn khi đơn giá vẫn thấp hơn 20%, thậm chí là 50% so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Ổn định lao động

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Bạch Thăng Long cho biết, trong sáu tháng qua, tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị đang trên đà khởi sắc với lượng đơn hàng dồi dào, đạt mức tăng trưởng kỳ vọng đặt ra. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp đang đối diện khó khăn trước sức cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường lao động. Do thu nhập của ngành dệt may ở mức thấp cho nên nhiều lao động sẵn sàng nhảy việc để tìm kiếm mức thu nhập cao hơn.

Trong khi đó, đơn vị đang cần khoảng 1.000 lao động để đáp ứng lượng đơn hàng sản xuất, phục vụ đối tác, khách hàng trong thời gian tới. “Để giữ chân người lao động, đơn vị luôn nghĩ cách bảo đảm, gia tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển doanh nghiệp.

Người lao động luôn được làm việc trong điều kiện tốt nhất với thiết bị làm việc hiện đại, được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng mềm. Tất cả cán bộ, người lao động được mua các loại bảo hiểm xã hội, y tế, được tặng quà nhân ngày sinh, ngày cưới, lễ, Tết,...” - ông Long nhấn mạnh.

Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ, vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong ba quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Cụ thể, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc giảm 2%, đạt 66 tỷ USD; Bangladesh tăng 3,9%, đạt 21,7 tỷ USD. Sự khởi sắc của dệt may Việt Nam không chỉ xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng thế giới được cải thiện mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam, kết hợp với lợi thế tỷ giá của đồng Việt Nam so với USD.

Trước bối cảnh đó, các doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm, khai thác, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng, tập trung nghiên cứu, chuyển đổi sản phẩm; sẵn sàng nhận các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh..., từ đó lo đủ việc làm cho người lao động.

Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm cho rằng, một trong những điểm sáng trong sáu tháng đầu năm 2024 của ngành là ổn định lực lượng lao động với hơn 63 nghìn lao động, thu nhập bình quân của người lao động đạt 9,74 triệu đồng/người/tháng (tăng 4,7% so với năm 2023); tổng số đoàn viên, người lao động được thụ hưởng từ các chương trình chăm lo đời sống, chương trình phúc lợi hơn 62 nghìn người, với giá trị hơn 6,5 tỷ đồng.

Cải thiện hiệu quả sản xuất

Thời gian qua có thể coi là giai đoạn “đáy” của ngành sợi khi giá bông liên tục biến động, giá sợi ở mức thấp, khiến các doanh nghiệp phải gồng lỗ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên toàn hệ thống đã từng bước giúp doanh nghiệp vượt khó, hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Sợi Phú Bài nhận định, thời gian tới, thị trường sợi còn nhiều biến động, nhu cầu thấp, giá sợi thành phẩm chưa được cải thiện. Muốn hoàn thành mục tiêu sản xuất 16.350 tấn sợi, doanh thu đạt 1.050 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 10 tỷ đồng, đơn vị sẽ tập trung đẩy mạnh công tác quản trị và điều hành sản xuất, trong đó ưu tiên sản xuất các mặt hàng sợi có đơn hàng và sản xuất dự phòng các mặt hàng có khả năng tiêu thụ; tiếp tục cải thiện hiệu quả sản xuất thông qua các chương trình tiết kiệm chi phí như: Tiết kiệm điện, vật tư phụ tùng, tối ưu hóa nguồn lực; xây dựng phương án bố trí dây chuyền sản xuất tối ưu, linh hoạt, đa dạng hóa sản phẩm, nhất là phát triển các sản phẩm sợi bền vững và ít phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu truyền thống.

Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục tìm kiếm thêm các khách hàng ở thị trường mới, linh hoạt giữa đơn hàng xuất khẩu và đơn hàng xuất khẩu tại chỗ; tiếp tục phát triển đơn hàng sợi tái chế, mục tiêu đạt mức 60%-70% sản lượng sản xuất.

Tương tự, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định (Natexco) Vũ Ngọc Tuấn cho biết, năm 2024, đơn vị đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 1.210 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2,15 tỷ đồng, thu nhập bình quân hơn 8,6 triệu đồng/người/tháng.

Để hoàn thành kế hoạch, Natexco sẽ tập trung ưu tiên các nguồn lực triển khai tốt hoạt động sản xuất vải chống cháy, đẩy mạnh khai thác thị trường, đa dạng khách hàng; đồng thời thực hiện quản trị sản xuất tiên tiến, củng cố năng lực sản xuất các lĩnh vực sợi, dệt, dệt khăn, nhuộm; quy hoạch nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chế độ phúc lợi cho người lao động.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu đánh giá, thời gian tới, nhu cầu dệt may tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện, kế hoạch cắt giảm lãi suất tại các thị trường này chưa rõ ràng, trong khi các quốc gia cạnh tranh dự kiến sẽ phá giá mạnh đồng tiền từ 15%-20% để hỗ trợ xuất khẩu, giành lại thị phần, do đó, các doanh nghiệp sẽ chịu áp lực cạnh tranh về đơn giá.

Mặt khác, cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng,... dự báo tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trước mắt, Vinatex sẽ tiếp tục linh hoạt trong điều hành, tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường, xác định mặt hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao để sản xuất thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh. Thường xuyên theo dõi và cập nhật, dự báo các thông tin về thị trường, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo báo Nhân Dân