THCL - Tờ CNN của Mỹ đã nhận xét rằng vị thế của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Trung Đông ngày càng mạnh hơn, khi trong vài ngày tới ông sẽ tiếp kiến các nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel tại Điện Kremlin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Cuộc gặp của Tổng thống Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hay với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho thấy sức mạnh mềm, vị thế của Nga tại khu vực Trung Đông đang ngày một tăng cao.
CNN nhận xét rằng mối quan tâm của ông Putin không giống với các nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Nhưng với việc chính quyền mới của Mỹ chưa đưa ra chính sách đối ngoại cụ thể ở Trung Đông, sức mạnh mềm của Nga tại khu vực này đang tăng lên mức chưa từng có.
Theo CNN, mục tiêu chính của ba nhà lãnh đạo trong cuộc gặp sắp tới đây sẽ rất khác nhau. Tổng thống Putin muốn củng cố vị thế của Nga tại Syria, đảm bảo rằng thỏa thuận hòa bình tại Syria do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ không bị đổ bể. Ông Putin cũng cố gắng gạt bỏ vai trò của phương Tây tại Trung Đông.
Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu đang muốn thuyết phục Nga giảm sự ảnh hưởng của Iran tại Syria và củng cố quan hệ tốt đẹp giữa ông với Tổng thống Putin.
Về phần Tổng thống Erdogan, ông muốn gia tăng lợi ích của người Thổ tại Syria, loại bỏ người Kurd khỏi bàn cờ chính trị và đảm bảo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là lực lượng nòng cốt tiêu diệt IS tại Raqqa. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là "lãnh đạo khu vực" Trung Đông thay thế cho vị trí của Mỹ trước đây.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn có một cái kết có lợi tại Syria
Từ đầu cuộc xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ, viện trợ cho lực lượng nổi dậy Syria. Trước việc lực lượng mà họ ủng hộ đang thất thế, Ankara buộc phải đưa quân vào nước láng giềng với cớ là tiêu diệt tổ chức khủng bố IS.
Ngoài tiêu diệt IS, Thổ Nhĩ Kỳ còn một mục tiêu quan trọng khác là giảm sức ảnh hưởng đang lên của người Kurd tại Syria và bảo vệ những nhóm nổi dậy gốc Sunni.
Tóm lại hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria mang tính bảo vệ lợi ích của mình nhiều hơn và Ankara cũng cho thấy sự bực tức đối với việc Washington ủng hộ lực lượng dân quân người Kurd. Với Washington, lực lượng dân quân người Kurd đã cho thấy rằng họ là một đồng minh đáng tin cậy trong việc tiêu diệt tổ chức khủng bố IS, nhưng đối với Ankara thì người Kurd là một mối đe dọa khủng bố.
Năm ngoái, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thậm chí còn chỉ trích rằng Mỹ đã "chọn một tổ chức khủng bố làm đồng minh" khi nói về quan hệ giữa Washington và người Kurd.
Israel muốn kiềm chế Iran
Mối quan tâm gần như duy nhất mà ông Netanyahu muốn đạt được ở Moscow là kiềm chế Iran, "kẻ thù không đội trời chung" của nhà nước Do Thái.
"Iran đang cố gắng thiết lập sự hiện diện vĩnh viễn của họ tại Syria bằng sự xuất hiện trên đất liền và trên biển. Họ cũng nỗ lực tạo ra một mặt trận chống lại chúng tôi tại cao nguyên Golan", ông Netanyahu tuyên bố trước khi tới Moscow.
"Chiến thắng chống lại tổ chức khủng bố IS không có nghĩa là Iran được phép gia tăng sự ảnh hưởng của mình. Chúng ta không thể tiêu diệt một tổ chức khủng bố và để một tổ chức khủng bố khác thay thế", ông Netanyahu nói thêm.
Tổng thống Putin giải quyết được vấn đề của Israel và Thổ Nhĩ Kỳ
Nga và Iran là đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại các nhóm nổi dậy do các nước Trung Đông khác tài trợ. Mối quan hệ giữa Nga và Iran cũng khá tốt trong nhiều năm qua. Dù vậy, Iran cũng có mưu tính riêng cho mình trong bàn cờ chính trị tại Syria. Tehran muốn vẽ lại bản đồ địa chính trị tại Trung Đông - nơi vị thế của họ sẽ cao hơn trong tương lai.
Kết quả là Thủ tướng Netanyahu cho rằng ông cần phải tác động đến Moscow để giữ không cho vị thế của Iran tại Trung Đông tăng quá nhanh. Việc Thủ tướng Israel đến thăm Nga đến 3 lần trong một năm đã cho thấy rõ điều này.
Với Ankara cũng vậy, mọi tính toán của họ chỉ có thể thành hiện thực khi Nga cho phép điều đó xảy ra. Tất nhiên, Tổng thống Putin khó "bật đèn xanh" cho Thổ Nhĩ Kỳ thành lập một "an toàn khu" tại miền bắc Syria như mong muốn của những người đứng đầu Ankara.
Minh Phi –Motthegioi/CNN