Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 ngày 5/8, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát
Theo Bộ trưởng, nhìn chung, kinh tế nước ta 7 tháng đã phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 7 tháng tăng 4,12% so với cùng kỳ, trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội; tác động của chính sách tiền lương mới là không đáng kể. Tỷ giá được điều hành linh hoạt, kịp thời, hài hòa với điều hành lãi suất.
Thu ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 69,8% dự toán, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 7 tháng tăng lần lượt 17,1%, 15,7% và 18,5%; ước xuất siêu 14,08 tỷ USD. Các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép.
Về phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, đến ngày 31/7/2024, các bộ, cơ quan và địa phương đã phân bổ chi tiết 642,7 nghìn tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn chưa phân bổ chi tiết là 26,5 nghìn tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 6,1 nghìn tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 20,4 nghìn tỷ đồng.
Ước thanh toán đến 31/7/2024 là khoảng 232,1 nghìn tỷ đồng, đạt 34,68% kế hoạch (cùng kỳ năm 2023 đạt 37,85%). Có 33 bộ, cơ quan trung ương và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước.
Về triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đến hết tháng 7/2024, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết khoảng 26.345,48 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư (đạt 97% kế hoạch) và 19.678,933 tỷ đồng vốn sự nghiệp (đạt 100% dự toán) cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Ước giải ngân vốn đầu tư công khoảng 11.841 tỷ đồng, đạt khoảng 44% kế hoạch.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn; các động lực tăng trưởng chưa có sự bứt tốc rõ nét.
Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, áp lực tỷ giá vẫn là thách thức lớn, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức cao, yêu cầu chính sách tiền tệ phải dành nhiều nguồn lực hơn để ứng phó. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn.
Bên cạnh đó, thể chế, pháp luật mặc dù được tích cực thay đổi nhưng vẫn còn có những vướng mắc, bất cập, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.
Kiên quyết chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Thời gian tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy hơn nữa tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, sự chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng Quý III đạt kịch bản 6,5-7,4%, tạo bản lề để hoàn thành đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính, cụ thể là khẩn trương rà soát, quyết liệt tháo gỡ, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xác định đây là động lực tạo bứt phá cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2024 và thời gian tới.
Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, chất lượng, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn...; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh việc xử lý ngân hàng yếu kém, ngân hàng kiểm soát đặc biệt, các doanh nghiệp yếu kém, dự án chậm tiến độ…
Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, trọng tâm là kiểm soát lạm phát. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; điều tiết tỷ giá, lãi suất đồng bộ, hài hòa, hợp lý; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách nhà nước; triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là từ thương mại điện tử…
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...; đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng; khẩn trương hoàn thiện, ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; xây dựng Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường... Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, bão lũ, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.
Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tiếp tục củng cố và không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; khẩn trương hoàn thành các đề án, nhiệm vụ đã quá hạn, khắc phục tình trạng nợ đọng các nhiệm vụ được giao. Kiên quyết chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; thực hiện hiệu quả quy định về bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm.
Theo Báo Nhân Dân