TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)
Theo ông Thành, không thể phủ nhận việc phát triển mô hình mới sẽ xuất hiện những hiện tượng đi kèm, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ so với những vấn đề còn quan trọng hơn như hệ thống hành chính, tòa án, luật pháp, bảo vệ sự tự do của con người… trong quá trình hoạt động kinh doanh tại đó.
Có ý kiến cho rằng, phát triển đặc khu kinh tế tại Việt Nam nên đi theo 2 hướng: Xây dựng các đặc khu nhằm tạo đà lan tỏa; tập trung thu tiền từ bên ngoài vào như mở casino hoặc các “khu đèn đỏ”… Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?
Cá nhân tôi cho rằng, Việt Nam nên hướng đến sự bền vững, không nên có tư duy mở đặc khu rồi biến nó thành nơi thu hút đầu tư vào những ngành dịch vụ có tính chất “ăn xổi”. Nếu tập trung thu hút tiền vào các đặc khu theo cách mở sòng bài hay “phố đèn đỏ” cũng không hẳn là một lợi thế của Việt Nam.
Thái Lan, Singapore, Campuchia… đã rất có “kinh nghiệm” và hoạt động khá bài bản. Thực chất, mại dâm hay sòng bạc cũng chỉ ở cấp độ ngành. Lợi thế lớn nhất khi mở đặc khu là thí điểm xây dựng các thể chế mới, trên cơ sở đó sẽ ứng dụng và làm cho lan tỏa những phần còn lại của cả nước. Mục tiêu chính là tạo ra sự tăng trưởng bền vững thông qua thay đổi thể chế, tăng năng suất và tạo động lực phát triển.
Nhưng cũng có đề xuất hướng thứ hai dễ thu tiền nhất mà chẳng phải đầu tư lớn?
Tôi nghĩ, những người xây dựng đề án này là hướng đến sự phát triển bền vững, chứ không đi theo hướng thứ hai. Nếu làm theo cách thứ hai thì chúng ta cũng không cần phải mở các đặc khu và cũng không cần phải mất thời gian tranh luận lâu đến như vậy.
Nếu ai đó cố tình lái việc mở đặc khu theo hướng trên thì tôi không đồng tình. Cũng có thể, dư luận đang quan tâm và thảo luận việc mở sòng bài hoặc các “khu đèn đỏ” chỉ là suy luận, theo tôi vấn đề này, chỉ là góc rất nhỏ của dự án lớn này.
Ông có lo ngại nó sẽ thành “đầu voi đuôi chuột” và bị biến tướng…?
Đây là vấn đề đặt ra cho những người lãnh đạo có đủ tầm nhìn, sự thận trọng và lòng can đảm để làm hay không. Vấn đề ở đây là nên làm hay không làm theo hướng thứ hai, chúng ta phải nhìn thấy hậu quả khi triển khai.
Nếu vừa làm vừa kiểm soát theo cách của chúng ta thì lại càng không thành công. Một khi thiếu tầm nhìn và sự chuẩn bị kỹ càng, thiếu sự gắn kết với cả nước, đồng thời cũng không tạo ra sự lan tỏa nào mà chỉ phục vụ lợi ích cho một nhóm nhỏ nào đó thì cũng rất nguy hiểm.
Vậy theo ông, để phát triển các đặc khu kinh tế thật sự thành công, chúng ta cần có giải pháp gì?
Một khi chúng ta không có sự cam kết dài hạn với nhà đầu tư, ví dụ thời gian có thể lên tới 100 năm hoặc lâu hơn nữa và những cam kết đó phải có hiệu lực, thì nhà đầu tư mới đặt niềm tin, nếu không họ sẽ luôn thận trọng, chỉ nghĩ đến “lướt sóng” bằng đầu tư ngắn hạn. Khi đó, những đặc khu vô tình lại trở thành những “đại công trường” hoặc sòng bạc…
Trân trọng cảm ơn ông!
Việt Anh (Thực hiện)