Thị trường tiềm năng

Phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) đang là nội dung được quan tâm tại dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang được Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh để trình Chính phủ.

Tại tọa đàm Tháo gỡ “điểm nghẽn” phát triển năng lượng tái tạo được Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức mới đây, ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tính đến hết năm 2020 hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt nguồn điện là 69.340 MW, đứng thứ 2 khu vực ASEAN (sau Indonesia), đứng thứ 23 trên thế giới. Trong đó, điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời mái nhà) khoảng 16.510 MW chiếm 24%, điện gió khoảng 538 MW chiếm gần 1%.

Năm 2021 đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của điện gió với 3.980 MW được công nhận vận hành thương mại (COD) tính đến ngày 31/10/2021.

Công suất lắp đặt điện mặt trời đã vượt mục tiêu vào năm 2030. (Ảnh minh họa)
Công suất lắp đặt điện mặt trời đã vượt mục tiêu vào năm 2030. Ảnh minh họa.

Tình hình phát triển điện mặt trời, điện gió vừa qua đã vượt xa so với nội dung Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/03/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh (theo đó, điện mặt trời khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030; điện gió khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030).

Như vậy đến nay, công suất lắp đặt điện mặt trời đã vượt mục tiêu vào năm 2030, công suất lắp đặt điện gió đã đạt mục tiêu vào năm 2025.

Ông Hùng bày tỏ: Theo nghiên cứu Quy hoạch Điện VIII, tiềm năng NLTT (ngoài thủy điện) của Việt Nam là rất lớn, tiềm năng kỹ thuật lên tới 2.078 GW, gấp nhiều lần so với quy mô tổng công suất nguồn điện toàn quốc hiện nay khoảng 75 GW.

“Hiện nay, các tổ chức, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều rất quan tâm đến các cơ chế chính sách phát triển NLTT trong thời gian tới nên việc nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách sẽ phải đẩy nhanh hơn nữa để có thể triển khai thực hiện ngay sau khi Quy hoạch Điện VIII (với các mục tiêu, kế hoạch phát triển NLTT) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Hùng thông tin.

Những “điểm nghẽn”

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, cần có một lộ trình rõ ràng hơn đối với việc cắt giảm các nguồn năng lượng hóa thạch và nhanh chóng tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo một cách hiệu quả, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nước ta.

Theo Công ty cổ phần BCG Energy (thành viên Tập đoàn Bamboo Capital) thì việc phát triển năng lượng tái tạo còn có nhiều khó khăn và thách thức. Theo đó, BCG Energy chỉ ra nguyên nhân do cơ chế giá điện mới cho điện gió và điện mặt trời sau thời điểm ngày 30/10/2021 hiện tại chưa được ban hành. Bên cạnh đó, sự bùng phát dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hướng nhiều đến mọi mặt cuộc sống, làm gián đoạn các chuỗi sản xuất, dẫn đến nhu cầu phụ tải giảm. Dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai các dự án điện gió.

BCG Energy cho nhận định, cần áp dụng và duy trì một khuôn khổ pháp lý ổn định và mang tính dài hạn cho việc phát triển NLTT. Ngoài ra, cấp thiết phải nâng nâng cấp mạng lưới đường truyền tải điện khi tổng công suất lắp đặt các dự án điện mặt trời và điện gió dự kiến chiếm khoảng 27%-30% tổng công suất nguồn điện ở Việt Nam.

Đồng quan điểm, Tập đoàn T&T nêu, việc cho phép và thu hút các doanh nghiệp tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện được coi là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ "điểm nghẽn" trong các tuyến đường dây truyền tải điện.

T&T Group cũng đánh giá, cơ chế chính sách của chúng ta chưa liên tục, đang bị đứt gãy và gián đoạn. Đây cũng được coi một "điểm nghẽn" cần khơi thông dòng chảy và cần có một hành lang pháp lý thông suốt, thông thoáng, rõ ràng và liên tục. Các cơ chế chính sách áp dụng trong thời gian vừa qua chưa đưa ra được định hướng lâu dài.

Ngoài các khó khăn, vướng mắc được đề cập, ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) chia sẻ thêm những góc nhìn chuyên biệt dưới góc độ tài chính ngân hàng trong việc tài trợ vốn cho các dự án NLTT.

Theo ông Ánh, các tổ chức tín dụng nói chung khi tiếp cận, đánh giá tài trợ các dự án NLTT đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc thẩm định dự án, cân đối và đáp ứng nguồn vốn cho dự án, khả năng xử lý tài sản đảm bảo và rủi ro về doanh thu, hiệu quả của dự án.

Còn Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) thì thẳng thắn, “điểm nghẽn” chính với điện năng là sự độc quyền.

Theo ông Mại, thị trường bán buôn điện cạnh tranh (TTBBĐCT) là mô hình khuyến khích cạnh tranh trong phát điện. Tuy vậy chỉ có một người mua duy nhất là Công ty Mua bán điện của EVN mua tất cả điện năng từ các đơn vị phát điện và bán cho các công ty phân phối với giá bán buôn. Các công ty phân phối bán điện cho khách hàng dựa trên giá bán lẻ. Công ty mua bán điện thực hiện mua bán với các nhà máy được coi như đơn vị tham gia gián tiếp vào thị trường điện. Hợp đồng mua bán trong TTBBĐCT theo mô hình Tư vấn thiết kế; do đó, khoảng 50% công suất lắp đặt không được giao dịch trực tiếp trên thị trường.

Giáo sư Nguyễn Mại: “Điểm nghẽn chính với điện năng chính là sự độc quyền”
Giáo sư Nguyễn Mại: “Điểm nghẽn chính với điện năng là sự độc quyền.”

Giáo sư Nguyễn Mại nhìn nhận, trên thực tế, nước ta đang xây dựng TTBBĐCT nhưng chỉ có một người mua là EVN nên vẫn chưa hình thành được một thị trường điện cạnh tranh đích thực.  Những năm gần đây, các nhà đầu tư đã tận dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo, hàng loạt dự án đã được hình thành và  thực hiện.

Tuy vậy do quy hoạch không được công khai, minh bạch nên xảy ra  tình trạng “ chạy quy hoạch”, cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ gây lãng phí nguồn năng lượng mới, trong khi khuyến khích đầu tư tư nhân vào dự án năng lượng sạch thì chưa cho tư nhân đầu tư vào mạng lưới truyền tải điện nên nhiều dự án sau khi hoàn thành chỉ phát lên lưới 30-40% công suất do đường dây quá tải.

Khơi thông dòng chảy

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang tiến hành thương thảo với các địa phương để thực hiện hàng trăm dự án điện mặt trời, điện gió; một số địa phương kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh dự án điện than sang điện khí.

Theo ý kiến của chuyên gia quốc tế và trong nước thì tiềm năng điện tái tạo của nước ta rất lớn, công nghệ của nguồn năng lượng này đổi mới rất nhanh, làm giảm chi phí đầu tư và giá điện thương phẩm, chỉ cần nhà nước có chính sách khuyến khích và đầu tư đồng bộ nhà máy phát điện, hệ thống truyền tải điện thì có thể phát triển với tốc độ nhanh.

Theo đại diện Trung Nam Group, việc mở rộng cho phép tư nhân đầu tư vào đường dây truyền tải một phần nào đó hoặc xã hội hóa vẫn chưa được nêu rõ trong Quy hoạch Điện VIII. Do đó quy hoạch này bị mắc kẹt trong việc vừa muốn phát triển điện gió ngoài khơi, vừa muốn phát triển năng lượng sạch mà không muốn phát triển đường dây truyền tải.

Sau khi khảo sát các hiệp hội thương mại toàn cầu thì thấy giá điện thấp không ảnh hưởng nhiều đến việc các nhà đầu tư (NĐT) đến Việt nam. Theo COP26, hiện tại các NĐT ưu tiên phát triển kinh doanh tại các quốc gia sử dụng NLTT, đây cũng là lợi thế rất lớn của Việt Nam bởi nguồn cung NLTT của nước ta đang thuộc TOP đầu Đông Nam Á.

Thay vì chú trọng phát triển nguồn điện chạy nền với các nhà máy điện than mới, đại diện Trung Nam Group nêu ý kiến, Việt Nam cần ban hành các chính sách thúc đẩy các nhà đầu tư đem lại nguồn điện tái tạo với giá thành cạnh tranh hơn.

BCG Energy cũng nhấn mạnh, cần có cơ chế dài hạn khuyến khích phát triển loại hình năng lượng tái tạo, trong đó xem xét cơ chế chuyển tiếp cho các dự án triển khai trong thời gian thực hiện các cơ chế cũ nhưng hoàn thành sau thời điểm cơ chế hết hiệu lực để tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Bên cạnh đó, xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế mua bán đối với NLTT. Có hành lang pháp lý và hướng dẫn cụ thể đối với cơ chế khuyến khích, cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư các dự án đầu tư hệ thống truyền tải điện quốc gia đối với một số tuyến đường dây theo hình thức BOT.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII, việc đề xuất đầu tư phát triển NLTT từ các địa phương, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng rất lớn, chắc chắn sẽ vượt xa quy mô sẽ phê duyệt trong Quy hoạch Điện VIII sắp tới.

Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp Vũ Minh Hùng nhìn nhận, để đáp ứng đủ năng lượng nói chung và điện năng nói riêng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng, để thu hút các nhà đầu tư phát triển NLTT một cách hợp lý trong thời gian tới, cần xem xét một số nội dung.

Ông Hùng khẳng định, Quy hoạch Điện VIII cần có mục tiêu phát triển NLTT với quy mô phù hợp nhưng phải ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn NLTT. Sớm hoạch định chi tiết các nguồn NLTT cho từng địa phương để các địa phương có cơ sở tổ chức thực hiện. Cùng với đó là việc đẩy nhanh nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế chính sách phát triển NLTT trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả đầu tư các dự án NLTT, tăng cường tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch cho các nhà đầu tư.

Hưng Khánh