Ngày 31/03, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc nghiên cứu, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa để triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và kết quả Hội thảo văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong công tác xây dựng thể chế, Bộ có nhiều nỗ lực, đặc biệt đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, chuyển tư duy từ làm văn hóa sang tư duy quản lý, kiến tạo cho văn hóa, thể thao, du lịch phát triển.
Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch cũng đã đóng góp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua một số Bộ luật quan trọng điển hình là Luật Điện ảnh sửa đổi, Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi. Bộ cũng phối hợp để với các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó vấn đề liên quan đến lĩnh vực sáng tác và đang nghiên cứu, rà soát đề xuất nhiều dự án luật khác.
Cho rằng, lĩnh vực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phụ trách rất lớn, với 38 nhiệm vụ, nhóm nhiệm vụ, trong thời gian tới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, cần phải nhận thức sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vị trí, vai trò và tâm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Bộ cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về văn hóa, trước hết là để mỗi cán bộ ngành văn hóa phải hiểu và thấm nhuần sâu sắc nhất; từ đó tham mưu đúng, trúng, kịp thời cho cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các chủ trương và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trên cơ sở nghị định hướng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 về lĩnh vực văn hóa, bộ cần tiếp tục nghiên cứu và thấm nhuần bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư trong Hội nghị Văn hóa Toàn quốc, sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, thành luật pháp và các chính sách cụ, thể khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Hệ thống pháp luật của Việt Nam phải phù hợp với tính đặc thù của hoạt động văn hóa nghệ thuật, phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa.
Nhắc lại quan điểm, để phát triển văn hoá thì phải bao gồm cả thể chế và nguồn lực, nhưng xét đến cùng, để có nguồn lực thì cũng phải từ thể chế, theo Chủ tịch Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban Văn hóa xã hội của Quốc hội tiếp tục rà soát kỹ để đề xuất sửa đổi hoặc thay thế các luật hiện hành phát sinh khó khăn, vướng mắc do luật đã ban hành lâu mà hiện nay chưa theo kịp nhu cầu hiện nay như: Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo sửa đổi, Luật Báo chí sửa đổi để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024, 2025; nghiên cứu đề xuất một số các dự án luật mới về nghệ thuật biểu diễn, lĩnh vực văn học.
"Tiếp tục nghiên cứu căn cứ lý luận thực tiễn về đề xuất ban hành một số luật chuyên ngành cho giai đoạn tới đây như Luật Mỹ thuật, Luật Nhiếp ảnh, Luật Tài trợ hiến tặng, Luật Bản quyền tác giả có thể nghiên cứu tách từ Luật Sở hữu trí tuệ. Xu hướng trên thế giới là không làm luật tổng hợp mà đi vào chi tiết. Các viện và bộ cần bắt tay vào nghiên cứu kỹ lưỡng. Đề tài khoa học nên tập trung những thứ này để cho thiết thực. Tôi thấy nhiều đề tài nghiên cứu xong rồi lại để ngăn kéo; những vấn đề thiết thực của cuộc sống thì lại ít quan tâm", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ rà soát, kiến nghị xây dựng một số nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực văn hóa như Nghị định về văn học; đề xuất nghiên cứu để sửa đổi một số nội dung của các luật chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch như: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai sửa đổi, các Luật về thuế, nhất là Luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về visa điện tử, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu chưa sửa đổi được Luật Xuất cảnh, nhập cảnh thì ngay trong Kỳ họp tới có thể đề xuất Quốc hội đưa vào Nghị quyết để tháo gỡ, từ đó kích cầu cho hoạt động du lịch.
Chủ tịch Quốc hội gợi ý, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ động tham mưu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội những vấn đề cấp bách, đặc thù cần có cơ chế, giải pháp riêng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt các dự án thành phần về văn hóa, thể thao, du lịch thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
"Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Bộ có được chương trình mục tiêu quốc gia để chấn hưng và phát triển văn hoá như đề xuất tại Hội nghị văn hoá toàn quốc để thực hiện kết luận của Tổng Bí thư và chủ trương của Đảng ta. Nếu trình được cuối năm nay, Quốc hội rất hoan nghênh. Thời hạn chậm nhất, năm 2024 là phải xong.
Lê Xuân (t/h)