Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đã nêu ra nhiều vấn đề để các đại biểu trao đổi, đóng góp ý kiến nhằm làm rõ các khái niệm, nội hàm liên quan đến đổi mới cơ chế quản lý, tự chủ và tổ chức, sắp xếp lại hệ thống đầu mối, nhân sự... trong các cơ sở giáo dục.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục cần làm rõ những vấn đề liên quan đến tự chủ tài chính; cơ chế nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu các dịch vụ công thiết yếu do nhà nước chịu trách nhiệm, tính toán cơ cấu phân bổ nguồn lực hợp lý. Về tự chủ ở bậc đại học càng thực hiện nhanh, mạnh càng tốt. Về cơ chế quản lý cần tính toàn mô hình phù hợp, nhất là cơ chế quản trị. Việc sắp xếp mạng lưới cần theo kiểu tinh gọn, giảm đầu mối sẽ dẫn đến giảm về đất đai, nhân sự, chi phí thường xuyên... tùy theo điều kiện cụ thể.
Theo số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp: Năm học 2015-2016, cả nước có 44.961 đơn vị trường học với gần 1,26 triệu nhà giáo. Trong đó, có hơn 42.000 đơn vị trường học công lập và 2.868 trường ngoài công lập. Cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đối với các cơ sở giáo dục đại học đã có bước đổi mới quan trọng, người đứng đầu cơ sở đã được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn về thực hiện nhiệm vụ. Các đơn vị đã tự chủ đổi mới cơ chế hoạt động để tăng nguồn thu, thu nhập cho người lao động, chủ động sắp xếp lao động, bố trí và tuyển dụng lao động theo yêu cầu.
Về cơ chế tài chính, đối với giáo dục mầm non và phổ thông tỷ lệ chi cho các hoạt động giáo dục chiếm khoảng 20%; chi cho con người (bao gồm lương và có tính chất lương) chiếm tới 80% trong định mức phân bổ chi. Như vậy, cơ bản kinh phí chi cho các hoạt động của cơ sở giáo dục là chi cho con người, các nhà trường chỉ được tự chủ phần nhỏ kinh phí chi thường xuyên để phục vụ các hoạt động giáo dục.
Với các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ chế tài chính thực hiện theo Nghị 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, nhằm đổi mới cơ chế đối với các cơ sở giáo dục đại học, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017. Đến nay đã có 17 trường đại học công lập trực thuộc các Bộ, ngành trung ương thực hiện thí điểm theo quy định này.
Tuy vậy, các cơ sở giáo dục được giao tự chủ vẫn phải tuân thủ mức trần học phí do nhà nước quy định, trong khi mức học phí chưa bảo đảm bù đắp đủ chi phí hoạt động cần thiết của cơ sở giáo dục, chưa sát với yêu cầu chi phí đặc thù của từng ngành, nghề đặc thù cũng như chưa gắn với yêu cầu về chất lượng, thương hiệu của từng cơ sở giáo dục công lập...
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo là tiếp tục đảm bảo chi ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực sự nghiệp công theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo đạt 20% tổng chi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị Quốc hội đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XIV để ban hành chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục; sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật viên chức để phù hợp với mục tiêu, lộ trình đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đối với các vùng thành thị, khu công nghiệp, các vùng kinh tế phát triển; tăng cường ngân sách cho các cơ sở giáo dục chuyên biệt, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo – những nơi ít có khả năng xã hội hóa hoặc có chính sách đặc biệt để tạo điều kiện xã hội hóa giáo dục tại những nơi này. Mặt khác, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo đổi mới cơ chế, chính sách tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục, đào tạo...
H.M