THCL Chuyến công du châu Âu của tân Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence được xem là nhằm xóa tan hoài nghi giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình, tân Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tới châu Âu để hội đàm với các nhà lãnh đạo châu Âu và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh các đảng phái ở cả hai bờ Đại Tây Dương hy vọng những căng thẳng đang gia tăng giữa Mỹ và châu Âu sẽ được xoa dịu.
Những lo ngại của EU
Cả trước và sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những phát biểu khiến Liên minh châu Âu (EU) cảm thấy lo ngại. Đề cập về an ninh, ông Trump khiến nhiều người châu Âu thấy bất an khi ông nói NATO “lỗi thời” vì đã được “thiết kế từ rất nhiều năm trước”, nên không thích ứng được trước mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và nhiều nước đã không chi trả “như cần phải thế”.
Những quan ngại trước quan điểm của ông Trump về NATO lại càng tăng thêm bởi quan điểm dường như có phần dịu đi của Mỹ đối với Nga. Tân Tổng thống Mỹ thường ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “nhà lãnh đạo mạnh mẽ” và ngụ ý rằng một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Điện Kremlin có thể sẽ được hoan nghênh.
Cam kết của Mỹ về một châu Âu thống nhất đã bị nghi ngờ bởi hàng loạt phát biểu của ông Trump ca ngợi kết quả của cuộc bỏ phiếu về vấn đề Brexit (nước Anh rời EU). Còn có thông tin rằng lựa chọn hàng đầu của Tổng thống Mỹ cho vị trí Đại sứ Mỹ ở EU là ông Ted Malloch, một giáo sư đã từng khiến châu Âu tức giận khi ông này đưa ra dự đoán hồi tháng 1 rằng khối đồng tiền chung này có thể sụp đổ trong vòng 18 tháng tới và nói rằng ông sẽ “bỏ qua đồng Euro” với tư cách là nhà đầu tư.
Các vấn đề này và nhiều vấn đề khác nữa đã khiến châu Âu hoang mang, và nhiều nhà lãnh đạo đang tìm kiếm câu trả lời về chính sách của Mỹ trong tương lai đối với sự thống nhất và an ninh ở châu Âu.
Nhiều tín hiệu tích cực
Chuyến công du của ông Pence được xem là nhằm dẹp bỏ những mối lo ngại đó. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk sau cuộc hội đàm ở Brussels ngày 20.2, ông Pence nói: “Hôm nay, ưu tiên của tôi là thay mặt Tổng thống Trump bày tỏ cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với sự hợp tác và quan hệ đối tác tiếp tục với EU. Cho dù những khác biệt của chúng ta là gì đi nữa thì hai lục địa của chúng ta có cùng di sản, cùng các giá trị và trên hết là cùng mục tiêu thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng thông qua tự do, dân chủ và pháp quyền”.
Thông điệp ủng hộ trực tiếp đối với EU sẽ là một sự xoa dịu cho một số nhà quan sát châu Âu sau khi ông Pence có bài phát biểu hôm 18/2 tại Hội nghị An ninh Munich mà trong đó ông cố tránh đề cập tới EU. Tuy nhiên, với nhiều người khác, sẽ rất khó bỏ qua những dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ - châu Âu đang ngày càng lạnh nhạt.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, người trước đó đã gọi ông Trump là “mối nguy cơ” tiềm ẩn đối với châu Âu, trong một tuyên bố sau hội đàm đã phát biểu tích cực về cuộc gặp giữa ông và ông Pence, song vẫn thể hiện sự dè dặt.
Ông Tusk nói: “Đã có quá nhiều chuyện đã xảy ra trong những tháng qua ở Mỹ và ở EU. Có quá nhiều quan điểm mới - đôi khi gây ngạc nhiên - đã được đưa ra trong thời gian này về quan hệ của chúng ta và về an ninh chung của chúng ta. Hôm nay, tôi được nghe những lời nói đầy hứa hẹn về tương lai, những lời nói giải thích rất nhiều về cách thức tiếp cận của chính quyền mới ở Washington”.
Ông Tusk đã liệt kê những khẳng định của ông Pence về những cam kết của Mỹ đối với sự điều hành quốc tế dựa trên các quy định, sự chia sẻ an ninh xuyên Đại Tây Dương thông qua NATO, và sự thống nhất của châu Âu. Ông Tusk cũng đã cảm ơn Phó Tổng thống Mỹ vì sự thẳng thắn và chân thành của ông. Tuy nhiên, ông Tusk đã nêu rõ rằng ông mong muốn có hành động đi đôi với “những lời hứa hẹn” của ông Pence. Ông nói: “Sau tuyên bố tích cực như vậy, cả châu Âu và Mỹ phải thực hiện những gì mình đã nói”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Jungker cũng tỏ ra lạc quan về cuộc hội đàm của mình với ông Pence khi trong bài phát biểu trước cuộc họp đã nói rằng ông sẽ tìm cách cải thiện mối quan hệ. Ông Juncker nói: “Tôi không nghĩ rằng đã xảy ra sự chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu. Chúng tôi đã là đối tác với nhau suốt nhiều thập kỷ. Sự ổn định toàn cầu phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và EU”.
Tương tự, quan chức phụ trách đối ngoại của EU Federica Mogherini trong một thông cáo báo chí đã cho biết, tại cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ, bà đã thảo luận về tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa EU và Mỹ qua một cuộc trao đổi “cởi mở và thân mật”.
Ngày 20.2, chính ông Pence đã nói rõ với NATO rằng, mặc dù sự ủng hộ của Mỹ đối với liên minh an ninh này “không thay đổi”, song việc chia sẻ gánh nặng là cần thiết. Câu hỏi đặt ra là liệu vòng đàm phán của ông Pence ở châu Âu có đủ để dẹp yên những lo ngại và đưa quan hệ Mỹ - EU trở lại nồng ấm như xưa hay không.
Mặc dù ông Pence chắc chắn đã giải tỏa được một số lo ngại, các nhà lãnh đạo châu Âu có lẽ vẫn còn lo lắng về tương lai quan hệ Mỹ - EU. Nhiều người châu Âu sẽ vẫn đang chờ đợi, giống như ông Tusk, để xem liệu chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ được thực hiện trên thực tế như thế nào.
Duy Phương - motthegioi