Phối hợp phòng, chống tội phạm mua bán người - Hình 1

 Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục CSHS, Tổng cục Cảnh sát và Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục PCMT&TP BĐBP, đồng chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong những năm qua, trên lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, cùng vớ sự gia tăng của tội phạm hình sự nói chung, tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, số vụ việc, nạn nhân lẫn đối tượng phạm tội ngày càng gia tăng, mang tính chất xuyên quốc gia, toàn cầu hóa. Đáng chú ý là việc hình thành nhiều đường dây, băng ổ nhóm sử dụng công nghệ cao, internet, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và có tính liên kết chặt chẽ với các tổ chức tội phạm trong và ngoài nước, đan xen với các loại tội phạm khác như ma túy, cờ bạc, lừa đảo, mại dâm...

Tội phạm mua bán người xảy ra tại 63 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu trên các tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc (chiếm 70%), Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia (chiếm 11%), còn lại sang các nước khác như Singapore, Malaysia và các nước châu Âu, châu Phi. Không chỉ xảy ra tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em mà cả mua bán đàn ông, trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng...

Theo thống kê của các lực lượng Công an và Biên phòng, từ tháng 1-2016 đến tháng 7-2017, toàn quốc phát hiện 540 vụ với 768 đối tượng, giải cứu 1.489 nạn nhân (riêng 6 tháng đầu năm 2017, đã phát hiện 157 vụ với 245 đối tượng, giải cứu 361 nạn nhân); khởi tố 341 vụ với 522 đối tượng liên quan đến tội phạm này.

Thảo luận tại hội nghị, đại diện các cơ quan hai bên đã làm rõ thêm các nội dung đã nêu trong báo cáo trung tâm, đồng thời bổ sung một số giải pháp, kiến nghị để hạn chế tình trạng mua bán người.

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Ngô Thái Dũng đánh giá cao công tác phối hợp giữa hai bên, nổi bật như: Công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; chủ động nắm chắc diễn biến tình hình tội phạm hình sự. Công tác trao đổi thông tin, tình hình tội phạm được thực hiện thường xuyên từ cấp Tổng cục và Bộ Tư lệnh đến cấp cơ sở để chủ động phối hợp phòng ngừa, đấu tranh...

Về phương hướng trong thời gian tới, Thiếu tướng Ngô Thái Dũng đề nghị lực lượng Công an, Biên phòng các cấp tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 48/CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Nghị quyết số 63/QH13 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống  tội phạm... đặc biệt là triển khai thực hiện Đề án 2/CT130/CP “Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2017-2020”.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp triển khai có hiệu quả công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực biên giới tham gia phòng, chống tội phạm... Trong công tác điều tra tội phạm, lực lượng hai bên cần có sự trao đổi kịp thời và phối hợp ngay từ đầu để đảm bảo tính liên tục trong công tác điều tra tội phạm, mở rộng vụ án... 

Hai bên cũng cần phối hợp thực hiện các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới; tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho cán bộ trong công tác phòng, ngừa và đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là các đơn vị Công an cơ sở và các đồn Biên phòng tại các địa bàn phức tạp. 

Nhân dịp này, Cục CSHS và Cục PCMT&TP BĐBP đã khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp giữa hai đơn vị năm 2016.

Anh Minh