(Ảnh minh họa)
Cũng theo Ban chỉ đạo khẳng định, Việt Nam đang kiểm soát dịch bệnh theo kịch bản dự báo và tới đây sẽ xuất hiện thêm các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Các ca này đều phải coi là ổ dịch tiềm năng (F0), xác định nguồn lây, thực hiện ngay những biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng các đối tượng F1, F2 và dập dịch.
Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương tăng cường thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” mở rộng việc rà soát.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức lại hệ thống trong bệnh viện, nâng cấp biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.
Tất cả nhân viên y tế, khi khám và điều trị cho người mắc hoặc nghi mắc Covid -19, phải được bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn.
Những người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được coi là có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 (F1).
Trường hợp người bệnh cấp cứu chưa khai thác được yếu tố nguy cơ, ê-kíp cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ cá nhân như khi cấp cứu người nhiễm Covid-19.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung; nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, con số mắc đã giảm nhiều so với thời gian trước là tín hiệu vui. Tuy nhiên, nó chưa có giá trị dịch tễ để đánh giá dịch đã lui. Phải ít nhất trong 2 tuần mới có thể nói dịch đã lui hay chưa.
"Chúng ta đang trong 2 tuần thực hiện việc giãn cách xã hội. Nếu làm tốt, chúng ta mới kiểm soát được dịch bệnh", PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid -19, cũng khẳng định: "Điểm đáng mừng là hàng ngày số lượng bệnh nhân mới ít hơn người được chữa khỏi...".
T.N