THCL “Khoảng vài năm trở lại đây, người dân chúng tôi còn sử dụng nước sông để làm nước tưới cho đồng ruộng, con cháu chúng tôi còn lội sông nô đùa và bắt tôm, bắt cá. Nhưng bây giờ ô nhiễm kinh khủng quá, sông bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến cuộc sống nơi đây “ngạt thở””.
Đây là những chia sẻ chung của nhiều người dân sống tại khu Ngô Khê, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh về hiện trạng ô nhiễm nặng nề của dòng sông Ngũ Huyện Khê, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân địa phương.
Dòng sông nằm giữa ranh giới sinh tử
Ngũ Huyện Khê là một chi lưu của sông Đuống, chảy qua địa phận huyện Đông Anh (Hà Nội), Từ Sơn, Yên Phong, Tiên Du (Bắc Ninh) trước khi bắt mạch và hợp lưu với sông Cầu tại thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh). Dòng sông này từng được ví như mạch máu nuôi sống hàng ngàn héc – ta đất nông nghiệp tại các địa phương. Thế nhưng vài năm trở lại đây, với tốc độ phát triển chóng mặt của làng nghề tái chế giấy và các khu công nghiệp mới mọc lên, Ngũ Huyện Khê đang đứng trước ngưỡng cửa trở thành “dòng sông chết”.
Rác thải tràn ngập gây ô nhiễm dòng sông.
Về Ngô Khê vào những ngày trưa hè tháng 6, đi ngang qua đây mùi nước sông hôi thối bốc lên, phả vào trong không gian, ôm trọn cả một vùng ven sông chạy dọc con đê dài hàng cây số khiến không khí trở nên ngột ngạt bởi mùi “hôi thối” bốc lên. Màu nước sông đục ngầu dù mới được khơi dòng, từng đống rác thải không được xử lý chất cao ngất hai bên bờ sông.
Đó là chưa kể đến những đường ống dẫn nước thải đục xuyên thân đê như những mũi kim tiêm, đang từng ngày từng giờ tải hàng trăm mét khối nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp ra sông. Tại những điểm đen đó, nước sông đen ngòm, sủi bọt ngầu lên, khiến dòng sông đang quằn quại “chờ chết”.
Nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp ra sông
Theo chia sẻ của người dân địa phương, từ khi rác thải, khí thải và nước thải từ hai cụm công nghiệp Phong Khê I và Phong Khê II xả thẳng ra sông, nguồn nước sông đã bị “ngộ độc” khiến cho không một loài tôm cá nào sống nổi, người dân không dám lội xuống sông vì sợ mắc các bệnh ngoài da. Họ cũng không còn lấy nước sông để tưới cho hoa màu vì sợ thực phẩm bị nhiễm độc.
Anh Vũ Văn Thăng (23 tuổi), sinh sống tại khu Ngô Khê, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh cho biết: “Từ khi nước thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt đổ bừa bãi ra sông, mức độ ô nhiễm càng trở nên trầm trọng. Mùi hóa chất nồng lên khiến chúng tôi khó thở mỗi lần đi ngang qua sông.”
Ai “bức tử” dòng sông
Làng nghề tái chế giấy Dương Ổ - phường Phong Khê có từ lâu đời, những năm gần đây, để bắt kịp với sự phát triển chung, các hộ sản xuất đã mở rộng quy mô và số lượng các loại sản phẩm bao gồm giấy viết, giấy ăn, giấy vệ sinh, giấy làm hàng mã và nhiều loại sản phẩm khác nhau.
Theo báo cáo của môi trường Quốc gia, mỗi ngày làng nghề đã thải ra nguồn nước khoảng 1450 – 3000 kg COD và 3000 kg bột giấy. Bên cạnh đó, theo thống kê cho thấy, nước thải sản xuất giấy tại làng nghề có hàm lượng COD vượt ngưỡng từ 1,5 – 15 lần, sẽ có hại cho các sinh vật nước và hệ sinh thái nói chung.
Cùng với đó là sự phát triển của hai cụm công nghiệp Phong Khê I và Phong Khê II với gần 300 doanh nghiệp, hoạt động sản xuất thải ra môi sinh hàng ngàn mét khối nước thải công nghiệp độc hại không qua xử lý.
Các biện pháp xử lý chưa giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm sông.
Được biết, người dân nơi đây đã phản ánh đến chính quyền địa phương mong có sự vào cuộc kịp thời.Tuy nhiên những biện pháp của chính quyền vẫn không cản được hành động “bức tử” dòng sông của những “kẻ vô tâm” gây ra.
Ông Vũ Văn Khải - trưởng khu phố Ngô Khê - kiêm chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Ngô Khê chia sẻ: “Chúng tôi cũng đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền đề nghị triển khai các giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm nặng nề của dòng sông Ngũ Huyện Khê. Các biện pháp xử lý hành chính với các doanh nghiệp vi phạm có lẽ còn quá nhẹ. Chúng tôi mong muốn các giải pháp lâu dài và triệt để hơn để bảo vệ dòng sông.”
Đã nhiều năm qua, dòng sông Ngũ Huyện Khê vẫn phải hứng chịu khối lượng lớn chất thải độc hại. Nếu cứ tiếp tục phát triển công nghiệp không có lộ trình cụ thể, không có quy hoạch phù hợp để ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan và đời sống nhân dân thì có lẽ mọi lời khẩn cầu đều trở nên vô giá trị và cái giá sẽ phải trả là vô cùng lớn.
Mai Loan – Cao Huyền