"Trụ cột" để đảm bảo thương mại công bằng 

Theo Bà Phạm Châu Giang – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, so với thế giới, kinh nghiệm về PVTM của Việt Nam còn tương đối hạn chế, bởi đa số vụ kiện điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu mới xuất hiện 10 năm trở lại đây.

Riêng đối với cộng đồng doanh nghiệp, cách đây 20 năm lần đầu tiên gạo xuất khẩu của Việt Nam bị Colombia điều tra PVTM đến nay nhận thức của họ về PVTM đã có sự chuyển biến khát tích cực. Cụ thể, trước năm 2000 khi có các vụ việc thông báo khởi xướng điều tra, hầu hết doanh nghiệp ít quan tâm, chủ động ứng phó. Đến năm 2003 khi Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá cá da trơn thì lúc này doanh nghiệp mới thực sự để ý, quan tâm đến vấn đề PVTM.

Đặc biệt, thời gian gần đây, với tiến trình hội nhập của nền kinh tế, các vụ việc điều tra PVTM với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nhiều lên và doanh nghiệp vì vậy cũng đã bắt đầu quen với vấn đề này. Phần lớn DN sản xuất trong nước đã coi PVTM là công cụ tất yếu của tiến trình hội nhập nói chung cũng như tiến trình của từng ngành, từng DN khi ra thị trường nước ngoài hay mở cửa cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu. Các ngành sản xuất trong nước khi đối mặt với PVTM dần dần sẽ nhận thức rõ, muốn hội nhập hiệu quả và phát triển lâu dài phải “sống chung” với các biện pháp PVTM, từ đó đề ra các chiến lược tạo sự phát triển bền vững.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, các vụ việc phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng.

Đa số các FTA đều có mục tiêu xóa bỏ rào cản về thuế đối với thương mại nhưng lại không cản trở quyền của các thành viên tham gia FTA trong việc điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM. Vì vậy, công cụ PVTM được nhiều chuyên gia dự báo sẽ trở thành "trụ cột" để đảm bảo thương mại công bằng và bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước những tác động tiêu cực gây ra bởi hàng hóa nhập khẩu.

Cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng ngày càng được các nước sử dụng nhiều hơn
Cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng ngày càng được các nước sử dụng nhiều hơn.

Vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM

Theo dự báo của ngành Công Thương, trong giai đoạn 2021-2030, có khả năng Việt Nam sẽ tăng gấp đôi kim ngạch xuất nhập khẩu và đạt đến con số 1.000 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc có thể dẫn đến xuất hiện nhiều hơn các biện pháp PVTM đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Do đó, Việt Nam cũng phải tăng cường áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng nhập khẩu, đồng thời đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm về PVTM.

Trước nguy cơ hàng hóa xuất khẩu bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM, Cục PVTM cũng đã nêu rõ là sẽ có những tác động tiêu cực đến doanh nghiệp cũng như ngành sản xuất trong nước. Trong đó, nếu hàng hóa xuất khẩu bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu.

Không chỉ vậy, thời gian tới, khó khăn, thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trong ứng phó với các vụ kiện PVTM sẽ lớn hơn, khi các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu đang ngày càng được mở rộng và liên kết nhiều quốc gia với nhau tác động đến các biện pháp PVTM. Mặt khác, các vụ kiện về PVTM phát sinh những xu hướng mới như kiện chùm, kiện chống lẩn tránh thuế, kiện kép... làm gia tăng số lượng các vụ kiện về PVTM.

Nhận thức được tầm quan trọng của công cụ PVTM trong bối cảnh các FTA đã và sẽ bước vào giai đoạn thực thi sâu rộng, hầu hết các dòng thuế nhập khẩu đều đã bị xóa bỏ dẫn đến dòng chảy thương mại gia tăng nhanh chóng, trong thời gian qua Chính phủ và Bộ Công Thương đã ban hành nhiều Đề án, Chương trình nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp, trong việc ứng phó và sử dụng công cụ này.

Với những thách thức đặt ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM.

Mục tiêu của đề án nhằm cảnh báo trước những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM là nhằm giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, giúp các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh việc cảnh báo nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM, theo các chuyên gia kinh tế, hệ thống cảnh báo sớm còn giúp các cơ quan chức năng tăng cường các hoạt động đấu tranh với các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM.

Hiện nay, định kỳ hàng quý, Cục PVTM đều cập nhật và thông báo công khai danh sách cảnh báo để các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác có định hướng cụ thể, chuẩn bị trước cho khả năng bị nước ngoài tiến hành điều tra PVTM.

Trên cơ sở danh sách cảnh báo do Cục cung cấp, các cơ quan chức năng cũng đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài; hợp tác với cơ quan chức năng của các đối tác thương mại nhằm ngăn chặn các hành vi mạo nhận xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh biện pháp PVTM một cách bất hợp pháp…

Ngoài cập nhật danh sách cảnh báo báo sớm, Cục PVTM đã đẩy mạnh việc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về phòng chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Tăng cường cung cấp thông tin, khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp không tiếp tay cho các doanh nghiệp có ý định, hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ Việt Nam, lẩn tránh biện pháp PVTM. Nhờ đó, các Hiệp hội, doanh nghiệp đã có nhận thức tốt hơn về vấn đề này.

Trước xu thế bảo hộ gia tăng, về phía doanh nghiệp, để tránh các rủi ro về kiện PVTM, lãnh đạo Cục PVTM cũng đã khuyến nghị cần cải thiện năng lực ứng phó, hiểu biết chắc chắn về PVTM.

Theo đó, doanh nghiệp phải trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật, quy định PVTM trong các FTA giữa Việt Nam và các đối tác để nắm rõ các nghĩa vụ và quyền lợi; dự trù thuê luật sư khi cần thiết; xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ và rõ ràng.

Hà Trần