Phát triển ngành chế biến gỗ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm bao tiêu sản phẩm đầu ra cho rừng trồng, bảo vệ môi trường và tạo sinh kế bền vững cho bà con ở vùng nông thôn, miền núi. Phát triển ngành chế biến gỗ rừng trồng góp phần thực hiện nội dung tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Gỗ bóc, ván ép không phải là nghề mới trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, song đây là mô hình phát triển kinh tế vừa cho thu nhập cao, vừa đảm bảo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Với mong muốn thay đổi từ nghề mộc truyền thống của địa phương, chị Phạm Thị Bích Thuỷ - Giám đốc Công ty TNHH Lâm Sản Hưng Thịnh có địa chỉ trụ sở: Xóm Đồng Danh, Xã Tức Tranh, Huyện Phú Lương, Thái Nguyên, đã học hỏi, mạnh dạn kinh doanh sản xuất bóc gỗ ván ép. Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, chị Bích Thuỷ đã trở thành chủ của một công ty chế biến gỗ ván ép có doanh thu cao hằng năm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Sau nhiều lần đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, nhận thấy phát triển kinh tế từ rừng là hướng đi tiềm năng. Và thực tế, thị trường cũng đang chuyển sang tiêu thụ gỗ ván ép công nghiệp ép thay vì truyền thống làm nghề mộc và kinh doanh đồ mộc nhưng nguồn gỗ nguyên khối ngày càng khan hiếm. Nhận thấy diện tích rừng trồng trên địa bàn đến tuổi cho khai thác gỗ ngày càng lớn, nhu cầu về nguồn nguyên liệu gỗ bóc để sản xuất ván để xuất khẩu ngày càng tăng, nắm bắt được xu thế này, chị Phạm Thị Bích Thuỷ đã nghiên cứu kỹ nguồn cung, rồi quyết định hướng kinh doanh của mình. Nhận diện các lợi thế của ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản Công ty TNHH Lâm Sản Hưng Thịnh đã tận dụng các cơ hội, cũng như vượt qua các rào cản về yêu cầu kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu, thách thức trong liên kết sản xuất. Bên cạnh các thị trường truyền thống trong nước, Công ty TNHH Lâm sản Hưng Thịnh còn mạnh dạn đưa sản phẩm tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường mới, tiềm năng như: Canada, Nhật Bản, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Trung - Nam Á… nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi xuất khẩu, tạo uy tín quốc tế cho sản phẩm gỗ Việt Nam trên trường quốc tế. Với những bước đột phá trong kinh doanh, Công ty TNHH Lâm sản Hưng Thịnh không ngừng phát triển và tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh tại các xã Vô Tranh ( huyện Phú Lương), xã Yên Lãng (huyện Đại Từ) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Chế biến gỗ bóc không phải là nghề mới, song chị Thuỷ đã kịp thời nắm bắt và phát huy lợi thế của địa phương để có một hướng đi đúng, thành công. Không chỉ làm giàu cho gia đình, từ những xưởng bóc gỗ đã tạo công ăn việc làm rất nhiều lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 8-10 triệu đồng/tháng. Khoảng 60% số hộ ở Xóm Đồng Danh (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương) có kinh tế khá và giàu. Không chỉ giúp nhân dân có công việc ổn định, có đầu tiêu thụ sản phẩm từ rừng, mà hàng năm chị Thuỷ còn tham gia đóng góp ủng hộ các chương trình gây quỹ từ thiện và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trao đổi với phóng viên Thương hiệu và công luận, đồng chí Hoàng Ngọng Doanh – Phó Chủ tịch UBND xã Tức Tranh (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: “Công ty TNHH Lâm sản Hưng Thịnh chế biến gỗ đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, đồng thời tiêu thụ phần lớn sản phẩm gỗ rừng trồng cho các hộ dân ở địa phương và các xã lân cận. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Lâm Sản Hưng Thịnh cũng đã chủ động làm tốt công tác phòng chống cháy nổ và xử lý rác thải tốt, không để ô nhiễm môi trường. Chúng tôi cho rằng đây là một trong những mô hình có hiệu quả trong việc phát triển kinh tế vừa là khuyến khích bà con nhân dân phát triển kinh tế đồi rừng, gắn với giải quyết việc làm tại chỗ".
Với những cố gắng, nỗ lực trong phát triển kinh tế, chị Phạm Thị Bích Thuỷ không chỉ mang lại thu nhập cho Công ty, mà nghề chế biến gỗ của chị sẽ phát triển bền vững và phát huy hiệu quả kinh tế, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Đình Luyện - Hoàng Thiệp