THCL Mỗi năm, tỉnh Phú Thọ có gần 260 lễ hội, trong đó tháng Giêng có tới 150 lễ hội được các địa phương tổ chức, thu hút đông đảo người dân.
Về vùng Đất Tổ linh thiêng, trong không khí những ngày xuân, bất cứ ai cũng muốn thưởng thức hát Xoan với ước vọng về một năm mới đủ đầy và ngập tràn hạnh phúc.
Lễ hội hát Xoan được tổ chức ở các phường Xoan gốc An Thái, Phù Đức, Kim Đới, Thét và các Câu lạc bộ hát Xoan từ ngày mùng 2 đến mùng 10 tháng Giêng là lễ hội mở màn trong chương trình về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam năm Đinh Dậu 2017.
Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình) tương truyền có từ thời các vua Hùng
Được đắm mình trong những khúc hát cổ, người nghe sẽ cảm nhận được tấm lòng thành kính của con dân Lạc Việt ngàn năm với Vua Hùng, với Tổ tiên. Những câu hát Xoan đã nuôi dưỡng, sưởi ấm tâm hồn và làm giàu có thêm nền văn hóa của người Việt trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Chia tay làng Xoan để đến với lễ hội đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa) để tưởng nhớ công ơn người sinh ra dòng giống con Lạc cháu Hồng - Mẹ Âu Cơ. Đền Mẫu Âu Cơ là một di tích lịch sử văn hóa lâu đời, một di sản quý báu của cả nước, có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc cho lớp lớp con cháu muôn đời.
Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ
Chính vì thế, vào dịp các ngày lễ hội, đặc biệt vào những ngày đầu năm, từ mùng 7 - 9 tháng Giêng, đến với Tổ Mẫu Âu Cơ đã trở thành tập quán, nét đẹp văn hóa của các thế hệ người Việt Nam. Ngày nay, đồng bào ta dù đi xa tới đâu vẫn có một nơi để trở về. Đó là nơi mẹ Âu Cơ đã để lại dải lụa đào rồi bay về trời.
Hình ảnh người mẹ nhân từ của dân tộc vừa nhắc nhở mỗi chúng ta luôn khắc ghi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa tiếp thêm sức mạnh cho dòng giống Tiên Rồng giữ vững tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường để xây dựng và bảo vệ từng tấc đất tổ tiên truyền lại.
Cũng trong ngày mùng 7 tháng Giêng, cùng với Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, cả tỉnh có 8 nơi khai hội trong đó phải kể đến lễ hội Hạ Điền của người Mường (xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn), lễ hội giã bánh giầy Trúc Phê (thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông), hội vật đuổi giải làng Vĩnh Mộ (xã Cao Xá, huyện Lâm Thao), hát Ghẹo trong lễ hội đền chùa Nam Cường (xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông) và lễ hội đền Sồi của người Mường (xã Yến Mao, huyện Thanh Thủy)…
“Trò Trám vào đám mười hai, chẳng xem Trò Trám cũng hoài mất xuân” - câu ca ấy thôi thúc du khách về với xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao vào ngày 11 và 12 tháng Giêng hằng năm để xem Lễ hội Trò Trám - lễ hội độc đáo có một không hai của người dân xã Tứ Xã nhằm tôn vinh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp được người dân ở đây trân trọng, gìn giữ.
Lễ hội gồm ba phần. Mở đầu là hội trình nghề “Tứ dân chi nghiệp” (sĩ, nông, công, thương) hay còn gọi là trò “Bách nghệ khôi hài” với các trò diễn như: đi cày, cấy, câu cá, đánh lờ, dệt lụa, cung bông, thợ mộc, mua xuân - bán xuân và dạy học.
Tâm điểm của lễ hội và cũng là linh hồn của Trò Trám là “lễ mật” diễn ra lúc sang canh đêm 11, rạng sáng 12 tháng Giêng - thời gian giao hòa giữa trời và đất, ngày cũ qua và ngày mới bắt đầu cầu cho nhân dân được bình an, hạnh phúc, cầu mong giống nòi sinh sôi nảy nở. Sáng 12 tháng Giêng diễn ra lễ “Rước lúa thần” cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Về vùng Đất Tổ những ngày tháng Giêng, hòa mình vào dòng người tham dự lễ hội Phết Hiền Quan được tổ chức vào ngày 12 - 13 tháng Giêng tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông để tưởng nhớ về nữ tướng Thiều Hoa Công chúa - người giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước và tham gia vào trò chơi sôi động cướp Phết sẽ để lại trong lòng du khách nhiều cung bậc cảm xúc.
Lễ hội Phết Hiền Quan
Hội Phết Hiền Quan đã trở thành truyền thống, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc. Hội diễn tả lại cảnh luyện tập võ nghệ thuở xưa với khí thế hào hùng của dân tộc ta trong quá trình dựng và giữ nước những năm đầu công nguyên. Điểm mới của lễ hội năm 2017 là chỉ có thành phần thanh niên địa phương được tham gia nghi lễ cướp Phết. Du khách các địa phương khác sẽ không được tham gia để đảm bảo an ninh trật tự cũng như giảm thiểu tối đa các yếu tố bạo lực trong khi tranh cướp phết.
Trong tiết giêng, hai, lễ hội Đình Đào Xá (xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy) diễn ra vào ngày 28 tháng Giêng nhằm tôn vinh, tri ân công đức Hùng Hải Vương - người đã giúp dân vùng Tam Giang (nơi giáp 3 con sông: Sông Đà, sông Hồng và sông Bứa) gồm địa phận Đào Xá, Hưng Hóa và Thọ Sơn trị thủy, ổn định cuộc sống… Mùa xuân trẩy hội rước voi, hòa vào dòng người bất tận, cùng nam thanh nữ tú giao duyên trong các làn điệu xoan, ghẹo, chèo, trống quân...
Lễ hội Đào Xá được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Tháng Giêng trên vùng Đất Tổ, tiếng trống hội như thúc giục lòng người tìm đến với các cửa đình, đền để xem các trò chơi cổ truyền trong lễ hội như: Lễ hội Đình Cả với nghi thức đón Vua về làng vui Xuân của người dân xã Tiên Kiên (Lâm Thao); lễ hội đình Lâu Thượng (Việt Trì).
Lễ hội rước ngựa làng Hiền Đa (Cẩm Khê) và lễ hội đình Gia Dụ xã vực Trường (Tam Nông) với các trò chơi nấu cơm thi ném cầu gió; lễ hội đình Thổ Khối xã Phương Xá (Cẩm Khê) với phần thi gà béo xôi dẻo; lễ hội đền Du Yến xã Chí Tiên (Thanh Ba); lễ hội đền Lăng Sương (Thanh Thủy); lễ hội đình Thạch Khoán (Thanh Sơn)…
Các lễ hội ở Phú Thọ đều tái hiện hình bóng xã hội của thời đại Hùng Vương đó là nền văn hóa của cư dân nông nghiệp mà tiêu biểu là tín ngưỡng phồn thực cầu sự sinh sôi nảy nở của con người, vật nuôi, cây trồng; là công tích của các tướng lĩnh thời Hùng Vương, các nhân vật lịch sử nổi tiếng đã có công xây dựng quê hương đất nước được người dân thờ phụng.
Từ bao đời nay, lễ hội có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân vùng Đất Tổ vừa mang tính tâm linh vừa có ý nghĩa nhân văn cao đẹp, khơi dậy lòng kính trọng đối với tổ tiên, với những vị thánh hiền đã có công với nước với dân, đồng thời phát huy bản sắc và truyền thống văn hóa mang tính dân gian của đồng bào các dân tộc.
Đến với lễ hội, ai ai cũng có tâm nguyện hướng thiện, giải tỏa những âu lo muộn phiền của cuộc sống và nuôi dưỡng khát vọng vươn lên.
Hoan Nguyễn