Toàn tỉnh đã có 3 người bị thương, có 480 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó bị sập trôi hoàn toàn 6 nhà ở huyện Tân Sơn, thiệt hại một phần do sạt lở đất 50 nhà (ở huyện Tân Sơn); phải di dời khẩn cấp 58 nhà ở huyện Tam Nông. Ngoài ra, còn 318 nhà ở huyện Thanh Sơn, 100 nhà ở huyện Tân Sơn, 6 nhà ở huyện Cẩm Khê bị ngập sâu dưới 1m.
Đối với các công trình công cộng, mưa lũ đã làm 6 điểm trường ở huyện Tân Sơn và Thanh Sơn và 1 nhà văn hóa ở Tân Sơn bị ngập và tốc mái; 305m đường giao thông với 103 điểm bị sạt lở, hiện đang tập trung khắc phục thông tuyến. Ngoài ra, mưa lũ cũng làm 6 cột điện ở huyện Tân Sơn, 3 cột điện ở huyện Yên Lập đổ gãy; hơn 220m kênh mương thủy lợi ở Thanh Thủy và Tân Sơn và đập thủy lợi ở xã Long Cốc, huyện Tân Sơn bị sạt lở, hư hỏng nặng.
Về sản xuất nông nghiệp, mưa lũ đã làm hơn 1.400ha lúa, hoa mầu bị ngập, đổ, trong đó nặng nhất là huyện Thanh Sơn có 468,8ha hoa mầu bị ngập, tiếp đó là huyện Thanh Thủy (367ha), Tam Nông (215,2ha), Yên Lập (132ha), Tân Sơn (130ha)... ; gần 500ha diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại và 77 lồng cá bị trôi, trong đó nặng nhất là huyện Thanh Thủy với 310ha diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại nặng từ 50-70% và 43 lồng cá bị trôi; huyện Tam Nông 30ha lồng, bè nuôi thủy sản và 34 lồng cá bị tràn, trôi... Ngoài ra, huyện Tân Sơn còn có 10 con trâu, bò, 30 con lợn và trên 1500 gia cầm bị chết, cuốn trôi...
Tổng thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn tỉnh tính đến 10h ngày 12/10 ước khoảng 22,8 tỷ đồng. Mực nước trên sông Đà và và đặc biệt là sông Bứa đã xuống so với ngày hôm qua hơn 3m. Chính quyền địa phương cùng các lực lượng vũ trang khẩn trương giúp người dân dọn dẹp nhà cửa.
Trong sáng 12/10, đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra, cho ý kiến chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn các huyện: Thanh Thủy, Thanh Sơn và Tam Nông.
Chủ tịch Bùi Minh Châu nhấn mạnh: Nước đã rút nhưng tuyệt đối không được chủ quan, phải tăng cường kiểm tra, rà soát, các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, khu vực hạ lưu các hồ đập có nguy cơ xảy ra sự cố để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ chứa, các công trình đang thi công, phát hiện và xử lý ngay những sự cố để đảm bảo an toàn công trình; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người sinh sống ven sông, ngòi, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy sản;
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát và hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, khu vực thường bị ngập và các bến đò, ngầm, tràn qua sông, suối, ngòi; chủ động kiểm tra vận hành các cống dưới đê sông, đê ngòi, các trạm bơm tiêu để đảm bảo ngăn lũ và tiêu úng kịp thời bảo vệ sản xuất; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, nhu yếu phẩm theo phương châm 4 tại chỗ tại các khu vực xung yếu để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu, kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông khi cần thiết.
Hiện nay, thời tiết vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Các ngành chức năng đang huy động tối đa lực lượng khắc phục ngập úng do mưa lớn để sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.
Hoan Nguyễn