Bài 1: Xây dựng NM SX Ethanol 300 triệu đô để… ngắm?

Để tạo ra nguồn nhiên liệu sinh học giá rẻ làm nguyên liệu chế biến xăng sinh học, thay thế xăng truyền thống, giảm bớt lượng khí thải CO2 của động cơ ra môi trường, PVN đã tiến hành xây dựng 3 NM SX Ethanol tại Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước, với tổng số vốn đầu tư gần 300 triệu USD…

Ba dự án, gần 6.000 tỷ đồng

Theo “Đề án thì từ năm 2008, PVN đã tiến hành triển khai xây dựng 3 NM SX Ethanol với tổng số tiền đầu tư gần 300 triệu USD (tương đương với 6.000 tỷ đồng) để đưa xăng sinh học vào sử dụng.

Dự án sẽ góp phần tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, chuyển hướng tích cực từ các cây trồng khác sang cây nguyên liệu, tạo hiệu ứng dây chuyền phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…

Theo đó, ngay từ tháng 9/2008, NM Ethanol Phú Thọ được triển khai xây dựng tại xã Cổ Tiết (Tam Nông, Phú Thọ); tổng số vốn đầu tư là 80 triệu USD, trong đó chủ đầu tư là TCT Dầu Việt Nam (PVOIL) chiếm 29%, TCT Tài chính Dầu khí (PVFC) 10%, TCT Dung dịch khoan (DMC) 10% và các đối tác khác. Với công suất của NM là 100 triệu lít/năm, sử dụng 240 tấn sắn lát khô/năm, sử dụng công nghệ của Công ty Delta T (Mỹ), dự kiến sẽ hoàn thành và bắt đầu sản xuất tháng 3/2011.

Đến tháng 1/2009, NM Ethanol Quảng Ngãi được khởi công xây dựng trên diện tích 24,62 ha, tại KKT Dung Quất, thuộc xã Bình Thuận (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Đây là NM sản xuất NLSH có quy mô đầu tư lớn nhất miền Trung, công suất 100.000 m3 Ethanol/năm.

Với tổng số vốn đầu tư là 80 triệu USD, trong đó, chủ đầu tư là TCT Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO) chiếm 51%, TCT Lọc dầu Bình Sơn (BSR)  29%, TCT Tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVFC) 10% và các đối tác khác. Công suất của NM là 100 triệu lít/năm, sử dụng 240 tấn sắn lát khô/năm, sử dụng công nghệ của Công ty Delta-T (Mỹ), dự kiến bắt đầu sản xuất vào đầu năm 2011.

Đến tháng 3/2010, Dự án NM Ethanol Bình Phước cũng được khởi công xây dựng trên diện tích 43 ha, tại huyện Bù Ðăng (Bình Phước); tổng số vốn là 80 triệu USD, trong đó, chủ đầu tư là TCT Dầu Việt Nam (PVOIL) chiếm 29%, Tập đoàn ITOCHU (Nhật Bản) 49%, Công ty LICOGI 16 là 22%.

Với công suất hoạt động là 100 triệu lít/năm, sử dụng 240 tấn sắn lát khô/năm và sản xuất theo công nghệ của Công ty PRAJ (Ấn Ðộ), dự kiến sẽ đi vào sản xuất vào tháng 9/2011.

Với số tiền đầu tư lên tới gần 300 triệu USD (tương dương gần 6.000 tỷ đồng) để xây dựng 3 NM SX Ethanol, theo tiến độ dự án đến năm 2012, các NM của PVN sẽ cung cấp 240 triệu lít/năm. Cùng với sản lượng các NM ethanol của các nhà đầu tư tư nhân khác đang triển khai, lượng cung trong nước sẽ đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường và chuẩn bị đầy đủ điều kiện để Nhà nước quyết định áp dụng tỷ lệ bắt buộc sử dụng xăng E5.

Hầu hết các dự án đã ngừng hoạt động


 

Tiến độ xây dựng tổng thế của NM NLSH ethanol Phú thọ đến nay mới đạt 78%

Kể từ ngày thành lập Ban chỉ đạo triển khai dự án xây dựng các NM SX NLSH, do Chủ tịch PVN làm Trưởng ban, đến nay đã gần 5 năm trôi qua. Tuy nhiên, các dự án này hoặc còn dang dở, hoặc xây dựng xong cũng chỉ “để ngắm”?

Tại Dự án Ethanol Phú Thọ, tiến độ xây dựng tổng thể đến nay mới đạt 78%. Sự chậm trễ này được lý giải rằng: Do Tổng thầu EPC là TCT CP Xây lắp Dầu khí (PVC) chưa có kinh nghiệm quản lý thi công dự án tương tự và gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến tạm dừng thi công.

Thêm vào đó, các cổ đông góp vốn cũng không thống nhất được giải pháp tháo gỡ khó khăn, trong khi tỷ lệ sở hữu của TCT Dầu Việt Nam (PV Oil) - thành viên của PVN chỉ còn 39% nên không quyết định được các vấn đề liên quan. Theo đó, giải pháp được PVN đưa ra đối với Dự án này là: PVOIL sẽ đàm phán với các cổ đông ngoài ngành để mua lại hoặc bán CP tại đây nhằm tìm lối thoát.

Trong khi đó, Dự án Ethanol Bình Phước, mãi đến quý II/2013 mới được bàn giao và đưa vào vận hành sản xuất (chậm gần 2 năm so với tiến độ dự án), nhưng do không tiêu thụ được sản phẩm trong nước nên NM đã dừng sản xuất.

Các cổ đông góp vốn tại dự án này như Công ty Itochu (Nhật Bản), Công ty Licogi 16 đã kiên quyết rút vốn và đề nghị PVOIL, PVN mua lại CP vốn góp. Theo tính toán của PVN, việc NM Ethanol Bình Phước ngừng hoạt động - sẽ mang lại khoản lỗ khoảng 270 tỷ đồng/năm, trong đó có 120 tỷ đồng lãi vay, 90 tỷ đồng khấu hao và 60 tỷ đồng chi phí duy trì NM.

Khả quan hơn cả là NM Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi). Dù chủ đầu tư đã tiếp nhận bàn giao để quản lý vận hành, nhưng hiện tại, TCT PTSC (thuộc PVN) vẫn đang khắc phục một số tồn tại. Trong năm 2013, NM Ethanol Dung Quất sản xuất được hơn 27.000 m3 cồn, nhưng chỉ tiêu thụ trong nước được khoảng 10%; còn lại là xuất khẩu, với hiệu quả rất thấp, do vậy đến nay hầu như cũng đã dừng hoạt động.

Mới đây, trong buổi tọa đàm trực tuyến về xăng sinh học trên cổng thông tin điện tử Chính phủ, Phó tổng giám đốc PVN, ông Nguyễn Sinh Khang cho biết: “Giá thu mua nguyên liệu (sắn) cao, biến động theo thời vụ, nguồn vốn để đầu tư mua nguyên liệu lớn do 1 năm chỉ có 1 vụ sắn, lãi vay ngân hàng còn cao. Ngoài ra, hiện nay Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ tài chính cho công tác phân phối và tiêu dùng xăng E5.

Do vậy, PVN kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương cần có chính sách dài hạn cho DN đầu tư vào nhiên liệu sinh học như miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối nhiên liệu sinh học trong nước chưa sản xuất được. Đồng thời, xem xét miễn thuế, phí môi trường đối với phần xăng nền để pha chế xăng E5; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông... Hiện giá thành sản xuất xăng E5 không thấp hơn so với xăng thông thường do chi phí đầu tư khá lớn”.

Theo QĐ 177/2007/QĐ-TTg (ngày 20/11/2007) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH) đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tiến hành xây dựng những dự án NLSH với nhiệm vụ: Sang năm 2015, sẽ đưa xăng sinh học vào sử dụng 100%.

Tuy nhiên, đã gần 5 năm trôi qua, đến nay, hầu hết các dự án “nghìn tỷ” này đều dừng hoạt động, làm thất thoát tài sản quốc gia, gây thiệt hại lớn cho người dân, phá vỡ quy hoạch kinh tế của đất nước…

Bài 2: Những hệ lụy…

Tuấn Ngọc – Xuân Hồng