Bài 1: Điều chỉnh nhiều, hiệu quả ít

LTS: Những gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp được NHNN liên tiếp đưa ra trong thời gian gần đây với hy vọng sẽ giúp thị trường BĐS phục hồi, người dân sẽ có cơ hội tiếp cận. Song ngược lại, các gói hỗ trợ nhằm vực dậy thị trường BĐS lại không nhận được sự hưởng ứng của dư luận…

Trên thực tế, tiến độ giải ngân quá chậm, kết quả đạt được vẫn còn ở mức hạn chế, thậm chí ngay cả khi Bộ Xây dựng, NHNN đã phải nhiều lần đề xuất các điểm mới nhằm nới lỏng điều kiện cho vay, tăng đối tượng tiếp cận, tăng thời hạn vay.

10% là quá sức tưởng tượng

Trong báo cáo của Bộ Xây dựng sau hơn 1 năm triển khai, gói hỗ trợ này mới đi được 1/10 chặng đường. Cụ thể: tính đến hết ngày 31/8, mới chỉ giải ngân hơn 3.000 tỷ đồng (đạt tỷ lệ hơn 10%), với hơn 7.000 hộ gia đình, cá nhân vay gần 2.000 tỷ đồng và 26 dự án với tổng dư nợ trên 1.000 tỷ đồng.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, sở dĩ gói hỗ trợ triển khai chậm, không hiệu quả là do ngay từ đầu giải pháp triển khai đã tỏ ra không phù hợp. Ông Liêm cho rằng, việc cho vay chỉ để mua nhà ở xã hội hoặc nhà thương mại diện tích nhỏ là điều cứng nhắc, gây khó khăn, bất tiện cho người dân. Điều kiện để được mua nhà ở xã hội là khắt khe, chưa kể dự án có giá phù hợp nhưng vị trí không phù hợp, vậy nên dù có tiền cho vay nhưng do nguồn cung phù hợp khan hiếm nên chịu không tiêu được.

Ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh nhận định, việc triển khai đã có vấn đề ngay từ đầu, khi người ta dùng công cụ hành chính để giải quyết vấn đề của thị trường, dẫn đến ách tắc và hiệu quả của gói hỗ trợ đến giờ phút này là "ì ạch".

"10% là quá sức tưởng tượng, bởi để có được con số này đã phải qua nhiều lần điều chỉnh. Nếu coi đó là việc "chữa cháy" thì đúng là có kết quả, nhưng nếu theo định hướng của chương trình thì chúng ta phải thành thật với nhau rằng khó khăn quá thì nên dừng lại. Cả thị trường đang thiếu tín dụng, chủ đầu tư đang thiếu tiền, nhiều dự án đình trệ mà chừng đó thời gian chỉ tiêu được có 10%. Thực tiễn cho thấy phương pháp luận có vấn đề", ông Trung phân tích.

Ngân hàng có… chắc lép?

Đi tìm lời giải cho bài toán 30.000 tỷ, GS. TS. Đặng Hùng Võ cho rằng: "Nếu chúng ta tiếp tục đưa những yếu tố đổi mới của Nghị quyết 61/NQ-CP vào áp dụng thì tương lai tốc độ giải ngân sẽ tăng hơn nhiều. Nhưng điều khó khăn nhất chúng ta vẫn chưa làm được, chưa động được tới cái "chốt" của gói 30.000 tỷ, đó là làm thế nào để cho người thu nhập thấp vay được tiền?".

Cái khó nằm ở "cửa" NH. Trước hết, nhiều NH vẫn chưa có tính mục tiêu trong triển khai, tức là có triển khai, nhưng trường hợp nào "chắc ăn" thì cho vay, trường hợp nào khó khăn thì thôi. Điều này chứng tỏ các NH chưa thực sự nhiệt tình. Cũng có những NH đẩy được tiến độ giải ngân lên so với các NH khác, nhưng trên tinh thần không mặn mà với gói hỗ trợ này. Có lẽ vì nó không mang lại hiệu quả kinh tế cao, hoặc do NH thích cho vay những khoản lớn hơn là cho vay lẻ tẻ. "Điều này xuất phát từ tư duy của lãnh đạo NH, ở chỗ anh có xác định nghĩa vụ an sinh xã hội của mình hay không, hay anh chỉ tập trung vào chuyện kinh doanh? Tôi cho rằng các lãnh đạo NH cần "xốc" lại tư tưởng ở chỗ này", ông Võ phân tích.

Như vậy, cần có cơ chế để có thể đảm bảo các khoản vay không rơi vào nợ xấu, nhưng không quá khắt khe trong việc bắt người vay tiền phải giải trình khả năng trả nợ. Các chuyên gia cho rằng điều này còn lớn hơn câu chuyện trách nhiệm xã hội, vì đây là cơ chế để thoát khỏi cách thức cho vay bình thường mà các NH vẫn làm

Khánh Yên