THCL Thủ tướng Chính phủ quyết liệt siết kỷ cương công vụ khi yêu cầu xử lý trách nhiệm các Bộ trưởng nếu ban hành văn bản chậm, kém chất lượng.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều nhận định, Thủ tướng mạnh tay siết chặt kỷ luật công vụ, kỷ luật hành chính là hết sức cần thiết, nhằm đánh giá đúng năng lực cán bộ, qua đó sẽ loại bỏ được những người không đủ phẩm chất năng lực, đạo đức trong bộ máy công quyền.

Bộ trưởng cũng có thể bị xử lý trách nhiệm

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị số 28/CT-TTg yêu cầu xem xét trách nhiệm đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo, thẩm định, trình, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp dự thảo văn bản được phân công thực hiện không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến…

Đây được xem như một bước tiến rất mới của Thủ tướng Chính phủ trong nỗ lực thúc đẩy kỷ luật công vụ.

Bàn về vấn đề này, ông Vũ Mão, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII, IX – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, việc Thủ tướng chỉ thị làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng,Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là một bước đi mới nhằm siết chặt kỷ luật công vụ, hướng tới sự phục vụ nhân dân tốt hơn.

Ông Vũ Mão bày tỏ: “Tôi rất hoanh nghênh chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì điều đó phù hợp với tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền, đồng thời cũng xuất phát từ thực tiễn là nhiều luật đã được Quốc hội thông qua thì rất khó vào cuộc sống.

Việc Thủ tướng Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp phối hợp kiến nghị xử lý trách nhiệm với các Bộ trưởng, trưởng ngành là rất cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang gấp rút để gia nhập ngôi nhà chung Asean, gia nhập TPP… cho nên không thể để tiếp diễn tình trạng nợ văn bản như thời gian vừa rồi”.

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, hoàn toàn ủng hộ Thủ tướng siết chặt kỷ luật công vụ. ảnh: Ngọc Quang.

Vấn đề đặt ra bây giờ là làm thế nào để phát huy hiệu quả tốt nhất? Theo ông Vũ Mão, khi Thủ tướng đã ra chỉ thị như vậy tức là xuất phát từ thực tế yêu cầu cuộc sống đòi hỏi phải làm ngay, đó cũng là bức xúc bấy lâu nay của cả xã hội. Việc chậm ban hành văn bản hay văn bản kém chất lượng đâu chỉ ảnh hưởng tới một vài cá nhân, mà ảnh hưởng tới hàng nghìn con người.

“Tôi mong rằng Thủ tướng tiếp tục quyết liệt, chỉ đạo các cơ quan được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, thực hiện nghiêm chỉ thị. Cụ thể trong trường hợp này, Thủ tướng đã giao cho Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ phối hợp với nhau thì ba cơ quan này phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và xa hơn nữa là chịu trách nhiệm trước nhân dân, nếu không hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao.

Theo tôi, hàng tháng, hàng quý Thủ tướng nên cho tổng kết, đánh giá, qua đó biểu dương những cán bộ làm tốt, phê bình, khiển trách những ai làm chưa tốt, thậm chí nếu mắc lỗi nhiều lần thì cần phải đưa ra tập thể Chính phủ để xem xét trách nhiệm”.

Ông Vũ Mão nhấn mạnh, việc Thủ tướng mạnh tay khi yêu cầu quy trách nhiệm cho các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cũng sẽ giúp thúc đẩy công tác cán bộ của Đảng tốt hơn. Qua đó, tập thể Chính phủ, Quốc hội và nhân dân thấy được năng lực thực sự của từng vị Bộ trưởng, trưởng ngành.

Cần tiếp tục mạnh tay với tham nhũng, lãng phí

Bàn về việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng xây dựng tượng đài và các khu trung tâm hành chính tại địa phương để chấn chỉnh lại công tác quản lý, đầu tư, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ sự đồng tình với quyết định kịp thời của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Hùng nêu quan điểm: “Chúng ta còn rất nhiều vấn đề phải lo, đặc biệt là quốc kế dân sinh, đời sống của nhân dân, tái cơ cấu nền kinh tế và bảo vệ tổ quốc. Làm cái gì cũng phải liệu sức mình và phải tính tới yếu tố giáo dục cho thế hệ trẻ, phục vụ đời sống thực tế của người dân, nhưng đồng thời không được làm ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước.

Không thể coi ngân sách nhà nước như là một miếng bánh để xin về tiêu, nhưng hiệu quả thực chất ra sao thì lại không đo lường được. Tiêu hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ của dân mà không đo lường được hiệu quả thiết thực cho đời sống của dân là một sự lãng phí ghê gớm, mà như vậy là có tội với dân, với nước.

Đối với vấn đề xây dựng quảng trường và tượng đài ở đất nước ta, tôi đề nghị là phải có một hội đồng khoa học của Nhà nước nghiên cứu quy hoạch tổng thể trên cả nước. Trên cơ sở đó, tham mưu cho Chính phủ, thậm chí tham mưu cho Quốc hội, để biết được nơi nào làm trước, làm sau, làm như thế nào để vừa đảm bảo văn hóa truyền thống, vừa tiết kiệm.

Tôi xin nhấn mạnh là không thể để cho các địa phương làm tượng đài theo kiểu ngẫu hứng, tùy tiện”.


Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. ảnh: Ngọc Quang.

Theo ông Hùng, việc xây dựng khu trung tâm hành chính là chủ trương đúng, nó tạo thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan nhà nước phục vụ người dân tốt hơn. Tuy nhiên, khi đã xây thì phải tính toán được lộ trình, mức độ đầu tư thế nào cho hợp lý, bởi vì suy cho cùng thì tiền đó cũng là của dân.

“Cũng chẳng loại trừ có thất thoát lãng phí ở những công trình đầu tư cả nghìn tỷ đồng và chắc chắn Thủ tướng đã nhận thấy có điều bất ổn nên lập tức chỉ đạo dừng lại. Tôi rất ủng hộ tinh thần ấy và quyết định nhanh của Thủ tướng”, ông Hùng nói.

Lâu nay, chúng ta nói nhiều tới tham nhũng, nhưng ít khi nói tới lãng phí và chưa làm rõ trong lãng phí có tham nhũng không? Lãng phí ở nước ta cũng rất lớn, từ lễ hội cho tới các hội nghị ở khắp các cấp, cho tới chuyện xây dựng các công trình, và ngay cả chuyện cán bộ đi nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.

Thậm chí trong một phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng cũng từng nói rằng “Đi nước ngoài nhiều quá, đi giao lưu, tiếp khách… chi phí lớn quá".

Trước thực trạng này, ông Vũ Quốc Hùng đặt vấn đề: Lãng phí chỉ là cách nói, cho nên làm rõ trong những lãng phí lớn gây thất thoát tiền ngân sách nhà nước thì có tham ô, tham nhũng không?

“Gần đây, tôi thấy ít nhắc tới tệ quan liêu. Sinh thời, trong vấn đề sửa đổi lề lối làm việc, Bác Hồ coi quan liêu là một tệ nạn rất lớn. Quan liêu là chỗ dựa của tham nhũng, vì vậy tôi cũng mong rằng Thủ tướng Chính phủ và tập thể Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo cương quyết để làm rõ trách nhiệm của cán bộ các cấp gắn với từng vị trí việc làm cụ thể.

Thủ tướng cũng đã ra chỉ thị nói rõ, nơi nào để xảy ra tham nhũng thì tùy theo mức độ xử lý kỷ luật người đứng đầu, thậm chí cách chức. Thủ tướng đã chỉ đạo như vậy, nhưng bây giờ còn phải thực hiện thế nào cho nghiêm thì các cơ quan được giao nhiệm vụ phải thực hiện.

Tôi thiết tha đề nghị là phải tiếp tục siết chặt kỷ luật không loại trừ ai cả, phải nghiêm minh từ Trung ương thì địa phương mới đi vào đúng kỷ cương. Nếu ở trên mà không nghiêm thì bên dưới sẽ lỏng lẻo”, ông Hùng nêu quan điểm.

Đồng thời, ông Vũ Quốc Hùng cũng đề nghị xem xét lại chế độ quy định trách nhiệm của các cấp, phải cách chức ngay những anh không làm được việc.

“Ở nhiều quốc gia thì chuyện từ chức hay cách chức rất bình thường, còn ở ta thì coi đó là không bình thường, vì mất chức thì coi như mất hết, ngoài chuyện mất quyền lợi và sợ mất sĩ diện.

Tất nhiên ai cũng có lòng tự trọng, nhưng cái quan trọng nhất là phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, thí dụ như anh cảm thấy không đảm đương được vị trí lãnh đạo thì rút để người có năng lực tốt hơn làm thay. Đó chính là tự trọng, đó chính là trách nhiệm với nhân dân, đất nước”, ông Hùng nói.

Theo GDVN