Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm
Thời gian qua, doanh thu thuế từ thương mại điện tử tăng đều qua các năm. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã chủ động triển khai nhiều biện pháp như xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế; phối hợp với các bộ, ngành trong việc chia sẻ dữ liệu và kết nối với UBND các tỉnh, thành phố; đặc biệt, cơ sở dữ liệu từ các ngành như ngân hàng, viễn thông đã được đồng bộ, giúp công tác quản lý và thu thuế đạt hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, thương mại điện tử với tính linh hoạt và giao dịch xuyên biên giới, đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi cần sự tối ưu hóa giải pháp quản lý thuế và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thương mại điện tử.
Tại Tọa đàm “Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử”, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Minh Tuấn khẳng định, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhanh chóng triển khai xây dựng kế hoạch - theo đó gồm 7 nhóm và 25 nhiệm vụ cụ thể; giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ nhằm hỗ trợ Tổng cục Thuế trong quá trình triển khai công tác thu thuế, trên hoạt động thương mại điện tử.
Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế danh nghiệp nhỏ và vừa, hộ cá nhân, kinh doanh (Tổng cục Thuế) Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, Tổng cục Thuế đã và đang thực hiện các giải pháp đồng bộ, thống nhất để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật; phối hợp với các sàn trong nước, các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài, tuyên truyền về nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng.
Đồng thời, ngành thuế tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử để hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0, bảo đảm người nộp thuế có thể thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, cung cấp thông tin hoàn toàn theo hình thức điện tử…
“Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số, Tổng cục Thuế đã và đang không ngừng mở rộng triển khai các dịch vụ thuế điện tử bao gồm khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử đảm bảo cấp độ 4.0, hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế nói chung, người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử nói riêng, trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế”, bà Lan Anh nhấn mạnh.
Nâng cao hiệu quả quản lý thuế
Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh nhìn nhận, thương mại điện tử Việt Nam phát triển rất nhanh trong vòng 10 - 15 năm qua; nhất là 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20 - 25%/năm.
Cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam đạt khoảng 2,2 tỷ USD. Nhưng đến năm 2023, theo thống kê, đánh giá của Bộ Công Thương thì, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc. Tỷ lệ này, đang được dự đoán đạt 10% vào năm 2025.
Thương mại điện tử phát triển nhanh và mạnh, đã đóng góp tích cực vào việc phát triển mô hình thương mại khá hiện đại trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 khi giãn cách xã hội và giảm sự tiếp xúc giữa các đối tượng. Đây là phương thức rất hiệu quả để có thể phân phối hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng cuối. Đồng thời, đây cũng là kênh để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, có thể tham gia kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập, cũng như tăng sức cạnh tranh của mình trên thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nhanh như hiện nay, đặt ra bài toán phải phát triển bền vững đó là bảo đảm được sự cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của chủ thể tham gia thị trường, là việc tuân thủ nghĩa vụ về thuế.
“Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, một trong những mấu chốt chính là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý một cách toàn diện và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Hoạt động quản lý của chúng ta, phải tận dụng tối ưu những công cụ trên môi trường trực tuyến, điện tử”, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lại Việt Anh nêu quan điểm.
Trong quá trình quản lý thuế, việc triển khai hóa đơn điện tử - là cải cách rất lớn của ngành thuế, đây là động lực thức đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp; qua đó giúp doanh nghiệp tối ưu được về nguồn lực và nhân sự cho vấn đề liên quan đến kê khai thuế và nộp thuế.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thương mại điện tử là hình thức kinh doanh mới trên thế giới, là hình thức thay đổi rất nhanh chóng, trong khoảng thời gian rất ngắn, đã có những hình thức kinh doanh mới ra đời. Chính vì lẽ đó, việc quản lý thương mại điện tử gặp rất nhiều khó khăn. Việc làm sao thu đúng, thu đủ, thu chính xác đối với hoạt động thương mại điện tử - trở thành khó khăn chung đối với hầu hết cơ quan thuế trên thế giới, kể cả những cơ quan thuế rất phát triển như Mỹ hay Liên minh châu Âu…
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong phối hợp quản lý hoạt động thương mại điện tử. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi chúng ta có VneID của Bộ Công an, việc tích hợp các dữ liệu của nhiều cơ quan, đang tạo điều kiện thuận lợi cho không chỉ Tổng cục Thuế quản lý thương mại điện tử, mà còn là điều kiện để quản lý tốt hơn các lĩnh vực khác liên quan đến cả kinh tế và xã hội.
Đó là những nỗ lực chung của các cơ quan ban ngành trong hoạt động kinh tế số, góp phần thực hiện quyết tâm xây dựng toàn diện nền kinh tế số.
Triển khai thực hiện hóa đơn điện tử
Là đại diện đơn vị trung gian thanh toán và cung cấp các nền tảng thanh toán số khá đa dạng cho người dùng, đáp ứng hầu hết các nhu cầu của người dùng (thanh toán trực tuyến trên các website điện tử, thanh toán qua thiết bị POS, thanh toán QR…), Giám đốc Khối Doanh nghiệp VNPAY Trần Mạnh Nam cho rằng, việc phát triển của thanh toán điện tử, luôn song hành với phát triển thương mại điện tử.
Trong 5 năm qua, thanh toán điện tử phát triển vượt bậc với nhiều phương thức. Người dân có thể sử dụng thanh toán điện tử trong hầu hết các nhu cầu thanh toán của họ. Vậy, đơn vị thụ hưởng quá trình thanh toán điện tử là ai? Trong thương mại điện tử, thì đó chính là những người bán hàng, từ đó có thể xác minh được doanh thu của người bán hàng, cơ quan thuế có thể từ doanh thu đó hình thành nên nghĩa vụ thuế của người bán hàng.
“Chúng ta nên bóc tách đâu là dòng tiền thương mại và dòng tiền phi thương mại của các chủ sở hữu để từ đó, cơ quan thuế có thể xác định được đâu là trách nhiệm thuế, đâu là nghĩa vụ thuế của các đơn vị tham gia bán hàng”, Giám đốc Khối Doanh nghiệp VNPAY Trần Mạnh Nam lập luận.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong quản lý thuế, việc triển khai hóa đơn điện tử - là cải cách rất lớn của ngành thuế, đây là động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp; qua đó giúp doanh nghiệp tối ưu được về nguồn lực và nhân sự cho vấn đề liên quan đến kê khai thuế và nộp thuế.
Tại Tọa đàm “Tăng cường hiệu quả quản lý ngành thuế”, các địa biểu đã đề xuất giải pháp sửa đổi chính sách thuế một cách đồng bộ, thống nhất. Để tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử, các đại biểu đã nêu hàng loạt giải pháp, kiến nghị. Trong đó, nhấn mạnh:
Cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế đầy đủ, cụ thể, áp dụng đối với từng chủ thể, nhằm đảm bảo phù hợp với các thông lệ quốc tế, phù hợp với các các đặc thù của Việt Nam;
Cần bổ sung quy định pháp luật theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, yêu cầu sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, có trách nhiệm khấu trừ khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử;
Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, chia sẻ, kết nối dữ liệu phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử;
Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các chủ thể kinh doanh, phổ biến cho doanh nghiệp nắm rõ quy định pháp luật, những nghĩa vụ liên quan và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ về thuế, trong quá trình thực hiện kinh doanh trên môi trường trực tuyến;
Nâng cao trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho người bán tại nguồn, của các sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến; đồng thời tăng cường trách nhiệm cung cấp thông tin của các sàn thương mại điện tử và các đơn vị cung cấp dịch vụ;
Đẩy mạnh hơn - triển khai thực hiện hóa đơn điện tử, đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo đảm tính công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia, kể cả trên hoạt động thương mại điện tử lẫn trong hoạt động truyền thống; đồng thời cũng bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, khi có hóa đơn để có thể khiếu tố, phản hồi, từ đó bảo đảm cho hoạt động thương mại điện tử tốt nhất.
Giải pháp nào nâng cao hiệu quả?
Để tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, các chuyên gia nêu hàng loạt giải pháp, kiến nghị. Trong đó, nhấn mạnh những vấn đề sau.
Một là, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế đầy đủ, cụ thể, áp dụng đối với từng chủ thể, nhằm đảm bảo phù hợp với các thông lệ quốc tế, phù hợp với các các đặc thù của Việt Nam;
Hai là, cần bổ sung quy định pháp luật theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, yêu cầu sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khấu trừ khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử;
Ba là, tăng cường phối hợp với giữa các bộ ngành, chia sẻ, kết nối dữ liệu phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử;
Bốn là, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các chủ thể kinh doanh, phổ biến cho doanh nghiệp nắm rõ quy định pháp luật, những nghĩa vụ liên quan và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ về thuế, trong quá trình thực hiện kinh doanh trên môi trường trực tuyến; khi đã tuyên truyền đúng, đủ mà các doanh nghiệp vẫn tiếp tục có những hành vi vi phạm pháp luật về thương mại điện tử, pháp luật về thuế, thì buộc phải có những biện pháp mạnh tay trong vấn đề thu hồi website, thu hồi giấy phép đã cung cấp, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật;
Năm là, nâng cao trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho người bán tại nguồn của các sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến; đồng thời tăng cường trách nhiệm cung cấp thông tin của các sàn thương mại điện tử và các đơn vị cung cấp dịch vụ;
Sáu là, đẩy mạnh hơn triển khai thực hiện hóa đơn điện tử, đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo đảm tính công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia, kể cả trên hoạt động thương mại điện tử lẫn trong hoạt động truyền thống; đồng thời cũng bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng khi có hóa đơn để có thể khiếu tố, phản hồi, từ đó bảo đảm cho hoạt động này tốt nhất;
Bảy là, phải số hóa ở mức hiện đại nhất để quản lý hoạt động thương mại điện tử, nhằm mang lại hiệu quả quản lý tốt nhất, góp phần xây dựng một xã hội số minh bạch hơn, thuận tiện và giảm thời gian, chi phí tuân thủ, cũng như những rủi ro cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử...
Phan Chinh