Qua câu chuyện mà chủ thể xây dựng, giá trị văn hóa, tinh thần của sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao, thực sự trở thành sứ giả văn hóa của địa phương.
Bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Phát triển nông nghiệp Vinaco (TP. Thanh Hóa) - đơn vị tư vấn, hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, cho biết:
“Xây dựng câu chuyện sản phẩm tốt có thể giúp sản phẩm OCOP tăng giá trị lên nhiều lần. Muốn làm tốt việc này, phải xuất phát từ chính niềm tự hào của người dân, cộng đồng về sản phẩm đó. Do đó, chỉ có chủ thể trực tiếp sản xuất nên sản phẩm mới biết được lịch sử hình thành và phát triển sản phẩm như thế nào, nó có sự tích gì, nét văn hóa ra sao”.
Một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu đạt được thành công khi xây dựng được câu chuyện sản phẩm giàu giá trị là bưởi Luận Văn - sản phẩm OCOP 4 sao của huyện Thọ Xuân. Từ loại nông sản truyền thống quen thuộc của địa phương, song trong quá trình xây dựng sản phẩm, chủ thể đã chú trọng đến việc gắn giá trị văn hóa lịch sử vào sự phát triển của sản phẩm.
Để người tiêu dùng hiểu rõ về giá trị văn hóa, tinh thần ẩn chứa bên trong sản phẩm. Không chỉ là thứ nông sản bình dị, thân thuộc, bưởi Luận Văn còn là sản phẩm tiến vua, luôn hiện diện trên mâm ngũ quả ngày tết thể hiện sự hiếu kính với tổ tiên, ông bà... Trong câu chuyện sản phẩm đã chỉ rõ: “Khi chín, vỏ bưởi có màu đỏ tươi rất đẹp, mùi hương rất thơm".
Và theo như văn hóa Á Đông, màu đỏ là màu của sự may mắn, màu của tài lộc, thịnh vượng nên sản phẩm bưởi Luận Văn mang ý nghĩa về mặt phong thủy...”. Với những giá trị to lớn đó, sản phẩm bưởi Luận Văn ở thời phong kiến đã từng được lựa chọn để tiến vua, còn ngày nay, sản phẩm đã “vượt” ra khỏi phạm vi địa phương, có lượng tiêu thụ lớn mỗi dịp cuối năm, giá trị kinh tế nhờ đó cũng tăng hơn từ 1,7 - 2,5 lần so với trước đây.
Tương tự, các sản phẩm cói mỹ nghệ không xa lạ với người dân xã Nga Liên (Nga Sơn). Những sản phẩm ấy gắn với truyền thống sản xuất, sinh hoạt của người dân. Nhưng với sự sáng tạo, tư duy phát triển mới, chị Nguyễn Thị Huyền, ở thôn 1 trong xã đã mạnh dạn phát triển sản phẩm từ cói truyền thống trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Chị Huyền cho biết: Với người dân huyện Nga Sơn nói chung và xã Nga Liên nói riêng, các sản phẩm từ cói rất đỗi thân thuộc, gắn bó với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Với hàng trăm sản phẩm từ cói đang lưu hành trên thị trường, chúng tôi phải lựa chọn các sản phẩm độc đáo, như gương trang trí cói xanh (đã trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh) và một số sản phẩm khay cói, thảm cói đang hoàn thiện tiêu chuẩn. Không giống với các sản phẩm cói khác, sản phẩm từ cói của gia đình được làm thủ công, tạo ra sự khác biệt riêng về kiểu dáng, mục đích sử dụng...
Được biết, trong câu chuyện sản phẩm gương trang trí cói xanh, chủ thể đã chỉ rõ sản phẩm được kết hợp sáng tạo giữa hiện đại và cổ điển, mộc mạc giản dị. Sản phẩm có hình tròn tượng trưng cho trời- đất, được trang trí bằng những họa tiết, hoa văn trên bề mặt, như hình ngôi sao, chim lạc, các biểu tượng nhạc cụ, đậm chất văn hóa, gần gũi với sinh hoạt người dân. Nhờ sản phẩm thân thiện với môi trường, có tính thẩm mỹ cao, tiện ích và mang câu chuyện sản phẩm độc đáo, giàu giá trị văn hóa mà chúng tôi đã thuyết phục được người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang Cộng hòa Séc, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha.
Trên địa bàn tỉnh, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP chủ yếu là hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn nên không đủ tiềm lực để quảng cáo sản phẩm. Hơn nữa, sản phẩm làm ra không nhiều để đưa vào các kênh phân phối lớn nên phải khai thác, tiếp cận thị trường theo một cách khác, chủ yếu dựa vào sự đặc sắc có tính bản địa của sản phẩm làm công cụ quảng bá, giới thiệu với thị trường.
Hơn nữa, ở bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo Quyết định 148/2023 của Thủ tướng Chính phủ, câu chuyện sản phẩm chiếm 12/100 điểm, cao hơn 2 điểm so với bộ tiêu chí cũ. Điều này càng cho thấy, sự độc đáo khác biệt, lôi cuốn trong câu chuyện sản phẩm chính là thước đo, đánh giá mức độ thành công, giá trị của sản phẩm OCOP. Do đó, các ngành, địa phương càng quan tâm, đánh giá cao vai trò, giá trị của sản phẩm OCOP.
Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết:
Câu chuyện sản phẩm - không chỉ góp phần nâng điểm, xếp thứ hạng sao, mà còn có giá trị quảng bá, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Do đó, các chủ thể OCOP không nên giới thiệu chung chung mà phải tìm được điểm khác biệt của sản phẩm, giới thiệu được nét tinh túy, cầu kỳ trong cách làm. Nội dung giới thiệu phải toát lên được hồn, cốt của sản phẩm và niềm tự hào của vùng quê ấy.
PV (T/h)