Ưu tiên đầu tư nguồn lực cho Chương trình phát triển tài sản trí tuệ
Tỉnh Lào Cai đã quan tâm nâng cao năng lực nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân về tài sản trí tuệ; Thúc đẩy và nâng cao hiệu quả bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Lào Cai đến năm 2030 (Quyết định số 1246/QĐ-UBND ngày 24/5/2023). Theo đó, chương trình đã đề ra 4 mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và 5 mục tiêu cụ thể đến năm 2030.
Để thực hiện các mục tiêu trên, một số nhiệm vụ và giải pháp cơ bản được tập trung triển khai theo 2 giai đoạn (2023-2025) và (2025-2030) như sau:
Về nhiệm vụ, tỉnh tổ chức: 25 lớp tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực khai thác, quản lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, giống cây trồng, quyền tác giả và các quyền liên quan từ cơ bản đến chuyên sâu cho 1.450 lượt người; 2 cuộc học tập kinh nghiệm công tác quản lý, khai thác, phát triển nhãn hiệu sản phẩm ở ngoài tỉnh cho khoảng 50 cán bộ, công chức, chủ thể quản lý nhãn hiệu; khảo sát 35 cơ sở trên địa bàn tỉnh về nhu cầu đăng ký, sử dụng và thị trường bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài cho sản phẩm chủ lực của tỉnh theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; 2 hội thảo, hội nghị và 1 cuộc khảo sát, tìm hiểu pháp luật và khả năng bảo hộ cho sản phẩm quế, chè, chuối, dứa, dược liệu của tỉnh tại các nước dự kiến đăng ký bảo hộ. Biên soạn phát hành 3 cuốn Sổ tay tuyên truyền về Chiến lược, pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Tỉnh hỗ trợ: Xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận ở trong nước cho 27 sản phẩm, 2 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực, đặc thù, có lợi thế, sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP của tỉnh; nâng cao quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho 7 đến 11 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hình thành từ các sáng chế, giải pháp hữu ích.
Về giải pháp: Gồm 6 nhóm giải pháp: Tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sỡ hữu trí tuệ; Phát triển nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; Hình thành, tạo dựng văn hoá sở hữu trí tuệ trong xã hội.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình: 48,795 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương đầu tư qua Bộ Khoa học và Công nghệ là 3,1 tỷ đồng và nguồn ngân sách tỉnh là 43,295 tỷ đồng. Phân kỳ thực hiện: Giai đoạn 2023-2025: 15,22 tỷ đồng; giai đoạn 2025-2030: 33,575 tỷ đồng.
Đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các loại hình tài sản trí tuệ tăng
Tại Hòa Bình, từ khi Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt đến nay, số lượng đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của tỉnh cho các loại hình tài sản trí tuệ tăng lên rất nhiều so với những năm trước đây. Kết quả đó thể hiện nhận thức của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sản phẩm, dịch vụ của tỉnh Hòa Bình đối với vai trò cũng như tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã được nâng cao.
Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ đến hết Quý II năm 2023, toàn tỉnh Hòa Bình đã có 48 đơn đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh nộp về Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời có tổng số 16 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ và công bố chính thức trên thư viện số về Sở hữu trí tuệ của Việt Nam.
Trong năm 2023, có 5 nhãn hiệu chứng nhận đã được công bố cấp cho các sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh Hòa Bình, nâng tổng số nhãn hiệu chứng nhận gắn với tên địa danh thuộc tỉnh Hòa Bình lên 28 Nhãn hiệu; tổng số nhãn hiệu tập thể của tỉnh được bảo hộ đến nay là 19 Nhãn hiệu. Thực hiện quy định về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt kinh phí: 115.000.000đ hỗ trợ nội dung đăng ký xác lập quyền Sở hữu công nghiệp cho 19 doanh nghiệp, tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh với 23 văn bằng bảo hộ đã được cấp; hỗ trợ 345.000.000đ cho các doanh nghiệp tham gia các hoạt động về Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng.
Tỉnh Hòa Bình tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN các cấp về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP của tỉnh Hòa Bình; đã hỗ trợ nâng cao quy trình canh tác, quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường EU tạo tiền đề, cơ sở thúc đẩy hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm thế mạnh, chủ lực của tỉnh ra nước ngoài trong tương lai. Tỉnh đã hỗ trợ xuất khẩu chính ngạch thành công 48 tấn bưởi Diễn của huyện Lương Sơn và huyện Yên Thủy sang thị trường Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm tiềm năng thế mạnh của địa phương được các cấp, các ngành quan tâm, đẩy mạnh, cụ thể như: Quảng bá các sản phẩm như chè, các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ chế tác từ đá, các sản phẩm mật ong... trên các trang thông tin điện tử. Tham gia các hội chợ Không gian quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền tại tỉnh Thanh Hóa; Lễ hội trái cây Thành phố Hà Nội; Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt -Trung (Lào Cai)...
Tuy nhiên, số lượng đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ quyền quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn tập trung chủ yếu cho đối tương quyền sở hữu công nghiệp là Nhãn hiệu. Các đối tượng khác như Sáng chế và kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm, giống cây trồng, quyền tác giả, quyền liên quan còn rất hạn chế. Do đó, việc thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ vẫn cần có sự chú trọng quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ mãnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan đối với việc hình thành và xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các loại hình tài tài sản trí tuệ.
Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã có tác động tích cực, hiệu quả
Tại Hà Nội, năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ tập trung tổ chức triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030. Cụ thể: Hướng dẫn và quản lý 51 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố đang triển khai thực hiện; xây dựng và tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng, quản lý tài sản trí tuệ cho quận, huyện, thị xã và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn; tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới trên các phương tiện thông tin đại chúng; hướng dẫn tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế xác lập quyền về sở hữu công nghiệp và sáng kiến, cải tiến kỹ thuật... Ngoài ra, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch Hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030...
Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến quý II năm 2023, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 4.335 (chiếm 34,3%, cả nước có 12.670 đơn) trong đó 96 đơn sáng chế, 48 đơn giải pháp hữu ích, 155 đơn kiểu dáng công nghiệp, 4.036 đơn nhãn hiệu.
Số lượng bằng sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 1.402 (chiếm 33,1%, cả nước là 4.021 bằng) trong đó: 80 bằng sáng chế, 87 bằng giải pháp hữu ích, 131 bằng kiểu dáng công nghiệp, 1.104 bằng nhãn hiệu.
Với những kết quả đã đạt được, chương trình phát triển tài sản trí tuệ của thành phố Hà Nội đã có tác động tích cực, hiệu quả qua đó, tạo điều kiện để tổ chức triển khai quản lý, khai thác thương mại sản phẩm, nâng cao uy tín, chất lượng, giá trị và mở rộng thị trường của sản phẩm, góp phần hỗ trợ nhà sản xuất ổn định, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, giúp cho người dân nâng cao thu nhập.
Đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm
Nhằm đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, năm 2023, Kiên Giang dành hơn 1,3 tỷ đồng thực hiện kế hoạch triển khai chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 242/KH-UBND về việc triển khai chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Mục tiêu của kế hoạch là đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của tỉnh; tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân về tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời hỗ trợ xây dựng và phát triển một số thương hiệu mạnh, thương hiệu đặc sản của tỉnh nhằm nâng cao vị thế và sức cạnh tranh cho các sản phẩm của tỉnh; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Nhiệm vụ chính của kế hoạch là tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; tổ chức triển khai phổ biến Luật Sở hữu trí tuệ, mở lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các sở, ban, ngành tỉnh, các doanh nghiệp liên quan về tài sản trí tuệ và văn hóa sở hữu trí tuệ, vai trò tài sản trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể khác phù hợp với từng nhóm đối tượng. Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ như hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới cho 10 tổ chức, doanh nghiệp.
Hình thức hỗ trợ và định mức gồm đăng ký bảo hộ trong nước và đăng ký bảo hộ nước ngoài như đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới 30 triệu đồng/đơn; đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ. Đăng ký bảo hộ ở nước ngoài với mức hỗ trợ 60 triệu đồng/đơn. Trong đó, hỗ trợ đăng ký bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể cho từ 02 sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP và sản phẩm của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mang địa danh địa phương.
Hỗ trợ khai thác, phát triển cho một sản phẩm chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm gắn với chương trình OCOP tỉnh theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khai thác sáng chế, giải pháp hữu ích của Việt Nam được bảo hộ, sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ hoặc hết thời hạn bảo hộ tại Việt Nam.
Hỗ trợ kinh phí tổ chức trưng bày, triển lãm phân biệt sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tối đa 5 đơn vị.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức, trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, định kỳ thực hiện chuyên đề, phóng sự, bài viết về hoạt động phát triển tài sản trí tuệ…
Việc triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ là cần thiết và cấp thiết
Tại Lâm Đồng, thực tế cho thấy, khi hàng hóa, nông sản có chỉ dẫn địa lý, được cấp văn bằng bảo hộ, giá trị sẽ cao lên gấp 2-3 lần so với trước đó. Vì vậy việc triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn từ năm 2021 - 2030 là cần thiết và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Mục tiêu của chương trình đến năm 2025 là tạo lập, phát triển và quản lý chỉ dẫn địa lý đối với ít nhất 2 sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh. Xác lập mới và phát triển các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh. Đăng ký bảo hộ ra nước ngoài từ 2 nhãn hiệu chứng nhận có tiềm năng xuất khẩu. Hỗ trợ ít nhất 2 trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn đăng ký đối với sáng chế, thương mại hóa các sáng chế đã được đăng ký. Ít nhất 60% sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Hỗ trợ từ 50-80 tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu... Các chương trình hỗ trợ sát với nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng cũng là yếu tố góp nên hiệu quả tích cực ngay từ khi triển khai chương trình. Đơn cử như các sản phẩm OCOP khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sẽ được hỗ trợ từ Sở Khoa học - Công nghệ sau khi đã nhận văn bằng bảo hộ.
Một điểm nhấn quan trọng trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 mà Lâm Đồng chú trọng là hướng tới việc xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ khai thác. Phát triển các sản phẩm theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Đồng thời giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ.
Bên cạnh đó, các trường học trên bàn tỉnh cũng tiếp tục định hướng nghiên cứu khoa học gắn với việc đăng kí bảo hộ sáng chế, thương mại hóa các sáng chế là kết quả nghiên cứu của các dự án, đề tài đã triển khai. Từ các chương trình này, đã góp phần cho sự nghien cứu, phát triển các công trình khoa hoc ứng dụng vào đời sống, nhất là ứng dụng vào nền sản xuất nông nghiệp, công nghiệp của điạ phương…
Với lộ trình, mục tiêu cụ thể, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 sẽ mở ra hướng đi mới, khai thác tối đa hiệu quả tài sản trí tuệ của các chủ thể, góp phần đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Lâm Đồng.
Minh Anh(T/h)