Bà Hà Thị Nga, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu khai mạc tại lễ phát động.
Bà Hà Thị Nga, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu khai mạc tại lễ phát động

Phát biểu khai mạc, đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm qua, vấn đề mua bán người luôn là vấn đề nóng, không chỉ với mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu. Tại Việt Nam, với sự phát triển của internet và mạng xã hội hiện nay, tội phạm mua bán người thông qua mạng xã hội, tài khoản ảo, qua SIM điện thoại không chính chủ… diễn biến phức tạp. Loại tội phạm này xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người; ảnh hưởng lớn đến đời sống sức khỏe của nạn nhân và gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em; gây nên những bất ổn trong xã hội, gieo rắc nỗi đau tận cùng cho biết bao gia đình…

Chủ đề của “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người” 30/7 năm nay là “Mở rộng vòng tay tới nạn nhân mua bán người để không ai bị bỏ lại phía sau” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kết nối giữa các đơn vị, cơ quan chức năng làm công tác phòng, chống mua bán người và là điểm tựa giúp cho các nạn nhân bị mua bán trở về có thể tìm kiếm cơ hội xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Đồng chí Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ phòng chống mua bán người, trong đó đặc biệt là tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân mua bán người là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cả xã hội và tất cả các tầng lớp nhân dân.

Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu chào mừng tại lễ phát động.
Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu chào mừng tại lễ phát động

Phát biểu chào mừng tại lễ phát động, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Quảng Ninh được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm về tội phạm mua bán người. Nhận thức rõ tình hình và nguy cơ, trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tội phạm mua bán người luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Cùng với đó là sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, công tác phòng, chống tội phạm mua bán người địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả, trọng tâm là công tác tuyên truyền, phòng ngừa từ xa, từ sớm, từ địa bàn cơ sở, nhất là địa bàn khu vực biên giới. Theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2020, tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 vụ, giảm 41% số vụ so với giai đoạn 2011 - 2015. Trong 2 năm vừa qua, toàn tỉnh không xảy ra các vụ việc liên quan đến mua bán người; công tác giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được các cấp, các ngành quan tâm triển khai hiệu quả.

Các đại biểu khách mời đã tham gia tọa đàm, trao đổi, chia sẻ một số vấn đề xung quanh công tác phòng chống mua bán người
Các đại biểu khách mời đã tham gia tọa đàm, trao đổi, chia sẻ một số vấn đề xung quanh công tác phòng chống mua bán người.

Quảng Ninh xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, phải được triển khai thường xuyên, lâu dài. Trong đó lấy công tác phòng ngừa tội phạm là trọng yếu; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền đề người dân hiểu biết, nâng cao nhận thức; đấu tranh, điều tra, xử lý nghiêm các vụ án; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân; hỗ trợ tốt nhất các nạn nhân theo đúng phương châm, chủ đề “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” năm 2023 là “Mở rộng vòng tay với nạn nhân mua bán người, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tỉnh Quảng Ninh tin tưởng rằng, lễ phát động sẽ truyền đi thông điệp công tác phòng, chống mua bán người là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần làm giảm nguy cơ, đẩy lùi tội phạm.

Tại lễ phát động, các đại biểu khách mời đã tham gia tọa đàm, trao đổi, chia sẻ một số vấn đề xung quanh công tác phòng chống mua bán người, như: Công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn, ngăn chặn tội phạm mua bán người; công tác phối hợp giữa các ngành, đơn vị và hợp tác quốc tế trong phòng chống mua bán người; các giải pháp hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về với cuộc sống bình thường, tái hòa nhập cộng đồng; công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng chống tội phạm mua bán người...

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ phát động chung tay phòng, chống mua bán người, hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2023.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ phát động chung tay phòng, chống mua bán người, hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2023.

Phát động chung tay phòng, chống mua bán người, hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2023, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, nhấn mạnh: Công tác đấu tranh ngăn chặn, phòng chống mua bán người là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, phải được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, cần sự chung tay của toàn xã hội với mục tiêu cao nhất là bảo vệ “quyền con người”, bảo vệ “an ninh con người” và đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Các đại biểu thực hiện nghi thức cam kết chung tay phòng, chống mua bán người năm 2023 với chủ đề “Mở rộng vòng tay tới nạn nhân mua bán người để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cam kết chung tay phòng, chống mua bán người năm 2023 với chủ đề “Mở rộng vòng tay tới nạn nhân mua bán người để không ai bị bỏ lại phía sau”.

Để nâng cao hiệu quả các mặt công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới, đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh vào một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hoá thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn; làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, lồng ghép nội dung phòng ngừa tội phạm mua bán người vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, giúp người dân cải thiện cuộc sống, hạn chế di cư; tăng cường công tác quản lý nhà nước và tổ chức thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm mua bán người. Đồng thời triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, theo nguyên tắc “lấy nạn nhân làm trung tâm” và “không để ai bị bỏ lại phía sau”; tăng cường công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm mua bán người…

Trần Trang