Tỉnh tập trung xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia trên địa bàn; chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông xây dựng các trạm BTS đảm bảo phù hợp với quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, nâng cao diện tích phủ sóng băng thông rộng trên địa bàn tỉnh. Đến nay Quảng Ninh có 6.038 trạm BTS.

Người dân thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh.
Người dân thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (Ảnh: Song Hà)

Các địa phương tích cực phối hợp với doanh nghiệp viễn thông khảo sát mặt bằng, bàn giao cho doanh nghiệp viễn thông triển khai xây dựng hạ tầng và sẵn sàng cung cấp dịch vụ di động, Internet cáp quang băng rộng nhằm phủ sóng di động, cáp quang vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Hiện phủ sóng mạng di động 4G trở lên đạt 99,35% dân số; phủ sóng Internet đạt 100% dân số; tỷ lệ 1,33 thuê bao di động/người dân; 345.684 hộ dân có kết nối cáp quang, đạt tỷ lệ 93,7%...

Tỉnh chỉ đạo xây dựng một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành... Đến nay, đã hoàn thành kết nối 12 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, nền tảng của quốc gia để thực hiện TTHC liên thông phục vụ dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống đường truyền số liệu chuyên dùng cho mạng WAN của tỉnh phục vụ hiệu quả cho hệ thống chính quyền điện tử tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 297 điểm kết nối mạng WAN.

Hạ tầng CNTT của tỉnh được đầu tư bài bản, đồng bộ, kịp thời, cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực đời sống. Tiêu biểu đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Hiện toàn tỉnh có 1.278 dịch vụ công; năm 2023 đã tích hợp, kết nối 1.240 dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành lên Cổng dịch vụ công quốc gia… 4 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đạt 82,4%.

Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân được nhập trên hệ thống mạng, chuyển đến các khoa, phòng, khám, chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân được nhập trên hệ thống mạng, chuyển đến các khoa, phòng, khám, chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Hiện trên 90% cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giảng dạy, học tập, thí điểm triển khai tuyển sinh trực tuyến, số hóa tài liệu và chia sẻ tài nguyên dạy học. Đến nay toàn ngành GD&ĐT tỉnh có 2.000 học liệu, gần 5.000 bài giảng điện tử được số hóa, xây dựng, chia sẻ; 100% cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, sổ sách điện tử…

100% các bệnh viện, trung tâm y tế ứng dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh viện trong khám chữa bệnh, thanh quyết toán các chi phí KCB với cơ quan BHXH; trong đó có 8/20 đơn vị đủ điều kiện thực hiện bệnh án điện tử/bệnh viện không giây tờ. 100% các trạm y tế triển khai các phần mềm quản lý dự phòng, quản lý dữ liệu khám bệnh, giúp giám sát các ca bệnh, số liệu báo cáo kịp thời, chính xác, thuận lợi cho công tác thống kê, phân tích dịch bệnh…

100% các đơn vị y tế áp dụng thanh toán điện tử, ứng dụng nền tảng mạng xã hội (zalo), nền tảng trực tuyến (Zoom, viber...), hệ thống Telemedicine của ngành để hỗ trợ tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người dân; kết nối với 11 bệnh viện trung ương để thực hiện tư vấn, hỗ trợ chẩn đoán điều trị, hội chẩn từ xa cho người bệnh…

Tỉnh đã thực hiện đổi giấy phép lái xe dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia từ đầu tháng 12/2022. Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên trong nước lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống camera ghi hình vi phạm Luật Giao thông tại một số điểm nút giao thông phức tạp, qua đó phát huy hiệu quả trong xử lý vi phạm, góp phần lập lại trật tự ATGT.

Cán bộ Hội Nông dân và nhân viên Bưu điện huyện Cô Tô hướng dẫn hộ kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Cán bộ Hội Nông dân và nhân viên Bưu điện huyện Cô Tô hướng dẫn hộ kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. (Ảnh: Ngọc Trâm)

Hầu hết các doanh nghiệp kết nối internet để giao dịch kinh doanh, đặt hàng qua thư điện tử. Nhiều doanh nghiệp đầu tư phần mềm chuyên ngành phục vụ quản lý sản xuất kinh doanh, quảng bá thương hiệu sản phẩm, phát triển thị trường, đẩy mạnh giao dịch hợp tác kinh doanh, ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất lao động…

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả các ngành, lĩnh vực đã tạo hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên hai con số trong 9 năm liên tiếp; GRDP bình quân đầu người đạt trên 9.500 USD, cao nhất ở khu vực phía Bắc, đứng thứ 2 cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước, nhất là thu nội địa, luôn đứng trong tốp đầu cả nước.

Trần Trang (t/h)