Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Vì hòa bình năm 2024 được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị vào tối 13/7, với chủ đề “Ca khúc hoà bình” của Trịnh Công Sơn. Đêm nhạc với sự tham gia của các danh ca như: Trịnh Vĩnh Trinh, Cẩm Vân, Quang Dũng, Đức Tuấn, An Trần, Cece Trương, nghệ sĩ violon Hàn Quốc Jmi Ko, ca sĩ gốc Mỹ Kyo York. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài PT-TH Quảng Trị và hòa sóng nhiều đài trên cả nước.
Có thể nói, đây là một đêm nhạc làm cho khán giả người Việt trong và ngoài nước yêu mến nhạc Trịnh hướng về vùng đất thép một thời của chiến tranh, bom đạn… đã đi qua.
Ca khúc hoà bình
Trịnh Công Sơn được coi như một trong những nhạc sĩ lớn nhất của nền Tân nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm rất phổ biến. Hiện nay chưa có thống kê về số tác phẩm để lại của ông (ước đoán con số không dưới 600 ca khúc), song phần lớn là tình ca. Nhạc của Trịnh Công Sơn được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng thành công hơn cả là Khánh Ly. Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ không chuyên.
Trong gia tài âm nhạc của nhạc sĩ họ Trịnh có khoảng 600 ca khúc, với khoảng hơn 200 bài được công chúng biết đến, có thể chia thành 3 mảng đề tài chính. Khởi đầu ông sáng tác tình ca, với những ca khúc nổi tiếng như: Ướt Mi, Diễm Xưa, Biển Nhớ, Còn Tuổi Nào Cho Em, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Tuổi Đá Buồn, Tình Nhớ, Tình Sầu, Tình Xa…
Đề tài tiếp theo trong nhạc Trịnh là những ca khúc về thân phận, là những bài hát có ảnh hưởng từ chủ nghĩa hiện sinh, tiêu biểu nhất là Vết Lăn Trầm, Xin Cho Tôi, Phôi Pha, Ru Ta Ngậm Ngùi, Dấu Chân Địa Đàng, Phúc Âm Buồn…
Cũng vì vậy mà hiện nay, những Ca khúc Da vàng như là một góc khuất trong sự nghiệp đồ sộ của người nhạc sĩ tài hoa này, không được biết đến nhiều bằng những bài tình ca của ông. Tuy nhiên, chính những Ca khúc hoà bình này mới là cái làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (và cả ca sĩ Khánh Ly) kể từ khi những ca khúc này được cất lên từ Quán Văn, một sân khấu dã chiến, sơ sài trong khuôn viên trường đại học Văn khoa tại thời điểm những thập niên 1967- 1969.
Lòng nhân ái, sự bao dung... là cốt cách của Trịnh Công Sơn
Có lần tôi được nghe nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường kể, thuở còn ở Blao (Lâm Đồng), Sơn làm “truởng giáo” của một ngôi trường ấp chiến lược cốt để được hoãn quân dịch. Nơi thị trấn chiến tranh heo hút đó, mỗi ngày anh thường băng qua một nghĩa trang đầy quạ đen; chiều về nghe tiếng chuông báo tử vang lên từ ngôi giáo đường nhỏ; đêm đến ngồi uống cà phê ở quán Le Cap Oral nghe lão người Tây già nhại tiếng kêu thê thiết của con chim báo hiệu chiến tranh.
Đêm ở Blao, Sơn thường đi lang thang. Và để đánh lừa kẻ vào nhà, Sơn dùng chiếc drap trắng trùm kín cây đàn ghita để trên gường, giả vờ người nằm bệnh. Từ đó qua suốt thời tuổi trẻ, Sơn vẫn hát về cuộc đời như một “cơn đau vùi”.
Những năm vào đời của một tài năng, Sơn đã khám phá ra âm hưởng la thứ dịu dàng của dòng sông xứ Huế (Ướt mi, Nắng thuỷ tinh), nỗi cô đơn ở Ghềnh Ráng eo biển Quy Nhơn (Biển nhớ, Lời buồn thánh) và ở thị trấn Cao Nguyên kia, là chiến tranh và cái chết (Phúc âm buồn, Gọi tên bốn mùa, Tình ca người mất trí)…. Điều này đã lặp đi lặp trong rất nhiều ca khúc, kể cả khi cất lên những lời yêu thương ngọt ngào, cháy bỏng như trong Rơi lệ ru người, Đoá hoa vô thường, Bên đời hiu quạnh, Ở trọ…
Một hình ảnh rất xúc động của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là trong mùa nghỉ hè về Huế, các anh thường ngồi quán cà phê Tôn ở Thành Nội. Hôm ấy, bé gái phục vụ lỡ tay đánh vỡ tách cà phê làm bẩn áo anh. Bà chủ quán chạy lên giận dữ khiến con bé rúm người, sợ hãi. Sơn đứng dậy che đòn cho con bé, ôn tồn nói với chủ quán: “Chính tôi làm vỡ, không phải lỗi nó” và anh thản nhiên rút túi bù tiền, cười với con bé rồi đi.
Lòng nhân ái và sự bao dung là cốt cách nghệ sĩ hằng có ở Trịnh Công Sơn; như là một giải pháp cứu vãn, để đối diện với chiến tranh, thù hận và sự hữu hạn của phận người “Sống trong đời sống - Cần có một tấm lòng- để làm gì em biết không?- Để gió cuốn đi !” . (Để gió cuốn đi).
Cuộc phỏng vấn đầy thú vị
Năm 2000, lúc đó tôi công tác tại báo Nhà báo & Công luận văn phòng đại diện miền Trung & Tây Nguyên, đóng tại TP. Đà Nẵng, được Tổng biên tập thời bấy giờ là chị Nguyễn Thị Vân Anh điều vào củng cố và xây dựng lại văn phòng của báo tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian 3 tháng.
Tôi còn nhớ như in, hôm đó chừng 10h sáng mùa hè, tiết trời tại Sài Gòn nóng như đổ lửa, đang ngồi với một số anh, em báo chí, thì nhận một cuộc điện thoại của nhà báo Xuân Thu, Đài truyền hình Việt Nam tại Thừa Thiên Huế thông tin, nghe nói nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang bạo bệnh, nên lãnh đạo đài cử Nhà báo Xuân Hiếu và một phóng viên quay phim đi theo, vậy nhờ anh liên hệ hoàn thành cuộc phỏng vấn, để làm tư liệu. Nghe xong tôi trao đổi với các anh, em báo chí, họ cho ngay số điện thoại bàn nhà nhạc sỹ ở đường Phạm Ngọc Thạch. Nhưng khi gọi đến thì được một người quản lý bắt máy trả lời: “Anh Sơn sức khỏe không bình thường lắm, nên không tiếp ai cả gần 2 tháng nay, anh thông cảm…”, rồi cúp máy, tôi nói lại nội dung cuộc điện thoại cho anh, em báo chí, họ nói anh nên gọi cho nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan (tức Hoàng Thiếu Phủ Tuổi trẻ cười) nhờ, có lẽ là được, vì anh ấy rất thân với cô ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh. Sau đó tôi gọi ngay cho nhà văn Hoàng phủ, ông nói để gọi cho Trịnh Vĩnh Trinh, kết quả thế nào sẽ báo lại.
Gần 10 phút trôi qua không thấy tín hiệu gì từ phía nhà văn, anh em ngồi lo nghĩ…Lúc đó Nhà báo Xuân Hiếu, phòng văn nghệ của đài nói với tôi với giọng thất vọng, cú ni vào đây mà không phỏng vấn hoàn thành, về thì nghe sếp la ngay. Rất may nhà văn Hoàng Phủ gọi lại với giọng gấp gáp: “Được rồi, được rồi… chiều nay lúc 13h30, nhưng chỉ phỏng vấn trong vòng 30 phút thôi nhé! Xong cuộc điện thoại Nhà báo Xuân Hiếu rút máy gọi ngay cho Đài truyền hình TP. HCM nhờ trợ giúp phương tiện chiều nay.
Sau nhiều năm gặp lại ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, tại phòng triển lãm tranh Trịnh Công Sơn Festival Huế 2016, Vĩnh Trinh nhắc lại cuộc phỏng vấn, ca sĩ cho biết: “Hôm đó anh Sơn cố gắng đó anh, sau đó anh trở bệnh nặng hơn, nhưng nghe anh em từ Huế lặn lội vào là anh đồng ý ngay, trước đó có đơn vị xin gặp đăng ký phỏng vấn nhưng đều bị từ chối”…
Cuộc phỏng vấn chiều nay ngoài Đài truyền hình TP. HCM và Thừa Thiên Huế còn có các báo như: Báo Nhà báo & Công Luận, Pháp luật TP. HCM.
Đúng giờ như đã hẹn chúng tôi đã có mặt trước cổng nhà nhạc sĩ họ Trịnh, hẻm Phạm Ngọc Thạch, quận 3, thì đã thấy một chiếc xe chuyên dụng của Đài Truyền hình TP. HCM (loại xe hay dùng truyền hình trực tiếp) có cả hệ thống máy điện tự phát, vì thời ấy tại đây hay bị mất điện đột xuất.
Cuộc phỏng vấn diễn ra tại phòng khách ở tầng 2, trước hết ưu tiên dành cho Đài truyền hình, nhiều câu hỏi hay đặt ra và nhạc sĩ tài hoa vui vẻ đáp trong thái độ tự nhiên không e dè, ngần ngại…Đoạn gần hết trong đoàn của đài truyền hình đề nghị nhạc sĩ cầm đàn hát một đoạn nhạc chính nhạc sĩ sáng tác, thì bị quản lý cản lại và không đồng ý (vì sức khỏe), lúc này đã gần hết thời lượng phỏng vấn. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hỏi chúng tôi, các báo có hỏi gì nữa không? Chúng tôi cũng vội vàng hỏi thêm một số câu hỏi ngắn gọn mà nhà đài chưa hỏi. Đồng hồ đã điểm 2 giờ và thời lượng đã hết, chúng tôi tạm khép lại và chào người nhạc sĩ ra về. Không ngờ đây là lần chào và gặp gỡ nhạc sĩ cuối cùng…
Lời kết
Dù đề cập đến bất cứ điều gì trong cuộc sống, Trịnh Công Sơn cũng chỉ chọn một người để nói, đó là người tình. Kể cả cái chết, mọi bài hát của Trịnh Công Sơn đều là tình ca, với giai điệu dịu dàng, thành thật ca từ đầy ma lực đến kỳ lạ.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Hãy đi đến tận cùng của niềm tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như những bông hoa”…
Hoàng Hữu Quyết- Đình Lương