Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Quốc hội Khóa XIV thảo luận về Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

Sáng 2/6, tại Kỳ họp thứ 3 (Quốc hội Khóa XIV), Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung của Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Theo đó, các ĐBQH đều đồng thuận, nhất trí với báo cáo tóm tắt của UBTVQH, đánh giá cao cơ quan soạn thảo, thẩm tra, đã nỗ lực, tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến ĐBQH và chỉnh lý Dự thảo Luật.

 

Đồng thời, cho rằng, dự thảo chỉnh lý theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa, bình đẳng cho hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN), để thu hút công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào Việt Nam.

Rất nhiều ý kiến đã được đưa ra nhằm tạo điều kiện, thúc đẩy hoạt động này tại Việt Nam.

Quốc hội Khóa XIV thảo luận về Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) - Hình 1

7 nội dung tiếp thu, chỉnh lý 

Theo báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng, sau Kỳ họp thứ 2, UBTVQH đã chỉ đạo Ủy ban KH-CN&MT phối hợp với Ban soạn thảo (Bộ KH&CN) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Theo đó, các nhóm vấn đề chính gồm:

Thứ nhất, về chính sách của Nhà nước đối với CGCN, Điều 4: Một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa, bổ sung chính sách để làm rõ hơn đối với 3 luồng CGCN: Đối với luồng CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, cần khuyến khích CGCN cao, tiên tiến đã được kiểm chứng.

Đối với luồng CGCN trong nước, cần có chính sách thúc đẩy việc CGCN từ các viện, trường, các tổ chức KH&CN trong nước vào sản xuất, coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới và CGCN, đẩy mạnh sự lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang khu vực doanh nghiệp trong nước. 

Đối với luồng CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài, cần coi đây là một trong những động lực quan trọng của đổi mới công nghệ.

Tiếp thu ý kiến xác đáng của các ĐBQH, UBTVQH đã bổ sung, chỉnh sửa Điều 4 về Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động CGCN, gồm 6 khoản như trong Dự thảo Luật. Đồng thời, tại các điều, khoản của Dự thảo Luật đã cụ thể hóa các chính sách này. 

Có ý kiến cho rằng, nền kinh tế Việt Nam với sự tham gia của gần 70% dân số trong lĩnh vực nông nghiệp, cầncó chính sách thúc đẩy phát triển KH&CN trong lĩnh vực này, nhất là ở những vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. 

Về vấn đề này, UBTVQH đã xác định đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, do đó tại khoản 2, Điều 4 đã quy định: Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho hoạt động CGCN trong nông nghiệp, nông thôn, miền núi.

Đồng thời, tại các Điều 52, 53 và 54 đã quy định cụ thể hoạt động CGCN ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; tại Điều 55 đã quy định về CGCN trong nông nghiệp.

Có ý kiến đề nghị bổ sung trong Luật chính sách hỗ trợ đối với các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực, đồng thời ưu tiên sử dụng sản phẩm, công nghệ trong nước nghiên cứu và tạo ra. Trong Dự thảo Luật đã bổ sung 01 điều là Điều 41“Phát triển công nghệ tạo ra và hoàn thiện các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực”.

Thứ hai, về đối tượng, hình thức CGCN (Điều 5, Điều 6): Có ý kiến ĐBQH cho rằng, giao dịch CGCN thời gian qua chủ yếu thông qua máy móc và thiết bị. Do đó, cần có biện pháp kiểm soát để ngăn chặn thiết bị cũ, lạc hậu và để nâng cao trình độ công nghệ Quốc gia nói chung, của doanh nghiệp nói riêng. 

Tiếp thu ý kiến nêu trên, trong Dự thảo Luật bổ sung đối tượng CGCN: “Máy móc, thiết bị” có yếu tố công nghệ thuộc đối tượng CGCN để quản lý (điểm d, khoản 1, Điều 5). Đồng thời, chỉnh sửa quy định về hình thức CGCN cho phù hợp với việc bổ sung đối tượng CGCN là máy móc, thiết bị (điểm b, khoản 1, Điều 6).

Thứ ba, liên quan đến các công nghệ khuyến khích, hạn chế, cấm chuyển giao (Điều 10, 11 và Điều 12), một số ý kiến của các vị ĐBQH đề nghị không nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, đặc biệt là máy móc, thiết bị cũ; quy định cụ thể và rõ ràng hơn tiêu chí của công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao để có chính sách quản lý phù hợp làm cơ sở cho việc kiểm soát công nghệ được chuyển giao.

Tạo điều kiện cho công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ mới được chuyển giao vào Việt Nam. UBTVQH đã rà soát, chỉnh sửa các quy định cụ thể về công nghệ khuyến khích chuyển giao (Điều 10); Công nghệ hạn chế chuyển giao (Điều 11) và Công nghệ cấm chuyển giao (Điều 12).

Dự thảo Luật đã phân định rõ các luồng công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, trong lãnh thổ Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài. Để linh hoạt và thích hợp với từng thời kỳ phát triển và sản xuất.

Thứ tư, về thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư (Chương II), có ý kiến đề nghị phải thẩm định công nghệ tất cả các dự án; quy định cụ thể về Hội đồng thẩm định;quy trình, thời gian, thành phần chuyên gia, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định; bổ sung quy định “hậu kiểm” đối với các dự án có công nghệ. 

UBTVQH nhận thấy hoạt động CGCN là vấn đề rất quan trọng, vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó.

Tuy nhiên, nhiều ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Do đó, rất cần có các giải pháp thẩm định, kiểm soát các luồng công nghệ nhập khẩu vào nước ta để ngăn chặn công nghệ cũng như thiết bị và máy móc cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người; yêu cầu việc thẩm định này không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và cải cách hành chính. Cụ thể:

+ Đối với việc kiểm soát có hiệu quả công nghệ của các dự án đầu tư, tại Điều 14 về thẩm định công nghệ dự án đầu tư đã được chỉnh sửa, bổ sung như trong Dự thảo Luật. Theo đó, trong Dự thảo Luật đã bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan tới thẩm quyền thẩm định công nghệ, về hồ sơ, nội dung, trình tựthẩm định công nghệ tại các Điều 15, 16, 17, 18 và 19. 

+ Đối với ý kiến đề nghị quy định cụ thể về Hội đồng thẩm định, trong Dự thảo Luật đã bổ sung một Điều mới là Điều 20 về Hội đồng, tổ chức, chuyên gia tư vấn thẩm định công nghệ dự án đầu tư. Trong đó, đã quy định cụ thể về việc thẩm định công nghệ phải thông qua hội đồng thẩm định; nguyên tắc làm việc, thành phần chuyên gia, trách nhiệm của hội đồng thẩm định… 

+ Đối với đề nghị quy định “hậu kiểm” đối với các dự án có công nghệ, Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 21 “Kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư”. Trong đó, quy định trách nhiệm kiểm tra công nghệ của dự án đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhưng phải giảm thiểu tối đa việc có quá nhiều cơ quan kiểm tra, giám sát dự án khi sự cố xảy ra, song không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính và bảo đảm quản lý chặt chẽ công nghệ được sử dụng. Đối với ý kiến đề nghị tăng cường sự giám sát của cộng đồng về công nghệ dự án đầu tư, xin không quy định trong Luật này mà tuân thủ quy định tại các Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam. 

Về thời gian thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư, UBTVQH nhận thấy việc thẩm định công nghệ phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư và các quan điểm chỉ đạo về việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, cạnh tranh, giảm thiểu thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, nhưng đồng thời vẫn phải kiểm soát được CGCN, do đó quy định về thời gian thẩm định công nghệ phải phù hợp với Luật Đầu tư.

Tuy nhiên, đối với các dự án có công nghệ phức tạp, có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì thời gian thẩm định công nghệ được phép kéo dài gấp 2 lần so với dự án thông thường như quy định tại Điều 18 Dự thảo Luật. 

Thứ 5, về đăng ký chuyển giao công nghệ (Điều 31),UBTVQH đồng ý với ý kiến của ĐBQH là không nhất thiết đăng ký tất cả các hợp đồng CGCN mà chỉ nên đăng ký một số loại hợp đồng; thủ tục đăng ký phải đơn giản, thuận tiện.

Về vấn đề này, theo UBTVQH, để quản lý được các luồng CGCN, chống việc gian lận, chuyển giá, trốn thuế... việc đăng ký hợp đồng CGCN là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải thực hiện đăng ký đối với tất cả các hợp đồng CGCN.

Một số hợp đồng CGCN đã được kiểm soát thông qua việc thẩm định công nghệ và những trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo quy định của Luật KH&CN thì không phải đăng ký hợp đồng CGCN. Những hợp đồng CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài, CGCN trong nước có sử dụng vốn NSNN hoặc có nguồn gốc từ NSNN thì phải đăng ký CGCN.

Để giảm thiểu tối đa việc phát sinh hậu quả phải bồi thường trách nhiệm hợp đồng trong trường hợp hợp đồng CGCN không được cấp giấy chứng nhận đăng ký, Dự thảo Luật đã rút ngắn thời hạn xem xét, cấp đăng ký CGCN xuống còn 07 ngày làm việc và đơn giản tối đa thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký CGCN. 

Thứ 6, về các biện pháp khuyến khích thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường KH&CN (Chương IV), có ý kiến đề nghị bổ sung các chính sách, biện pháp đột phá để khắc phục tình trạng hoạt động CGCN giữa các tổ chức KH&CN trong nước với doanh nghiệp còn ít và hiệu quả thấp; trình độ công nghệ của các doanh nghiệp còn lạc hậu, tốc độ đổi mới công nghệ chậm, việc chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với trình độ và tiềm năng trí tuệ của con người Việt Nam. 

Một số ý kiến khác đề nghị bố cục chương này cần logic hơn, làm rõ vị trí trung tâm của doanh nghiệp và các biện pháp thúc đẩy CGCN, phát triển thị trường KH&CN. Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Dự thảo Luật đã được sắp xếp các điều trong Chương IV “Biện pháp khuyến khích CGCN và phát triển thị trường KH&CN” thành 4 mục cho hợp lý hơn. 

Dự thảo Luật đã cho phép doanh nghiệp được sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để đầu tư đổi mới công nghệ; đối ứng vốn và nhận đối ứng vốn đầu tư cho ươm tạo công nghệ; thương mại hóa công nghệ, kết quả hoạt động KH&CN của mình.

Quỹ phát triển KH&CN, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, tổ chức tín dụng được nhận quyền tài sản phát sinh từ kết quả hoạt động KH&CN và đối tượng sở hữu trí tuệ để bảo đảm cho giao dịch vay vốn đầu tư cho các dự án KH&CN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhà nước khuyến khích các hình thức hợp tác để triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động nghiên cứu chung với doanh nghiệp tại Điều 36. Đối với biện pháp đột phá thúc đẩy thương mại hóa kết quả hoạt động KH&CN đã được quy định như tại Điều 37 của Dự thảo Luật. 

Đối với phát triển thị trường KH&CN, trong Dự thảo Luật đã bổ sung 03 điều là Điều 42 “Biện pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ”, Điều 43 “Phát triển nguồn cung, nguồn cầu của thị trường KH&CN” và Điều 44 “Phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN” nhằm tạo cơ chế thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN và tạo lập môi trường cho hoạt động CGCN.

Thứ 7, về quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN(Chương V), tiếp thu ý kiến của một số ĐBQH đề nghị quy định rõ vai trò của Bộ KH&CN trong việc quản lý hoạt động CGCN; các bộ có liên quan, chính quyền địa phương trong việc quản lý CGCN, Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung trách nhiệm của Chính phủ, Bộ KH&CN, các bộ có liên quan và của chính quyền địa phương trong việc quản lý hoạt động CGCN và bố cục thành 1 Chương là Chương V “Quản lý nhà nước về CGCN”. 

Sau khi tiếp thu, chỉnh sửa, Dự thảo Luật có 6 Chương, 63 Điều đã bao quát tất cả các vấn đề đặt ra, như: Phạm vi điều chỉnh của luật; Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động CGCN; Đối tượng công nghệ được chuyển giao; Hình thức, phương thức CGCN; Công nghệ khuyến khích, hạn chế và cấm chuyển giao; Công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư; Hợp đồng CGCN; Biện pháp khuyến khích CGCN và phát triển thị trường KH&CN (cụ thể, thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ; phát triển thị trường KH&CN; dịch vụ CGCN; CGCN ở nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn); Quản lý nhà nước về CGCN…

Tạo điều kiện thuận lợi tối đa, bình đẳng cho hoạt động CGCN

Các ĐBQH đã dành nhiều thời gian để thảo luận, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi). Theo đó, các ĐBQH đều đồng thuận, nhất trí với báo cáo tóm tắt của UBTVQH, đánh giá cao cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã cố gắng, nỗ lực, tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến ĐBQH và chỉnh lý Dự thảo Luật. 

Đồng thời cho rằng, Dự thảo chỉnh lý theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa, bình đẳng cho hoạt động CGCN để thu hút công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào Việt Nam. Dự thảo Luật có nhiều điểm mới nhằm tránh nhập công nghệ, thiết bị lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường. So với các dự thảo trước, dự thảo lần này có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là CGCN trong nước một cách hiệu quả. 

Luật CGCN sửa đổi đã kế thừa các nội dung tiến bộ, tháo gỡ vướng mắc và phát sinh trong thực tiễn CGCN, thể chế hóa kịp thời quan điểm đổi mới KH&CN của Đảng và Nhà nước. 

Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để Dự thảo Luật hoàn thiện hơn, trong đó tập trung vào bổ sung thêm các cơ chế, chính sách tạo điều kiện và thúc đẩy hoạt động CGCN. Cụ thể: Có chính sách và kế hoạch đồng bộ về nguồn cung công nghệ; chính sách thu hút, tiếp nhận CGCN; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài, tham gia tích cực vào CGCN; có chính sách trọng dụng thiết thực để thu hút họ, ưu tiên các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và nhu cầu lớn, tạo điều kiện ươm tạo nhiều hơn về trình độ, đội ngũ và môi trường làm việc; Có cơ chế đặt hàng nghiên cứu…
 
Cùng với đó, bổ sung làm rõ chính sách ưu đãi có tính khả thi cao cho doanh nghiệp, cần có quy định đặc thù, tính khả thi để Luật có tính khả thi cao hơn; bổ sung ưu tiên công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, ví dụ như giống cây trồng chịu hạn, mặn trong điều kiện khí hậu diễn biến phức tạp; mở rộng đối tượng đăng ký CGCN…

Sau khi nghe 26 ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ KH&CN tiếp thu toàn bộ ý kiến xác đáng của các ĐBQH và khẳng định Bộ KH&CN sẽ cụ thể hóa Luật CGCN (sửa đổi) sao cho bao phủ hết và thể hiện sâu sắc hơn vai trò của Nhà nước trong hoạt động CGCN. Một số điều sẽ điều chỉnh cô đọng hơn, một số điều sẽ cụ thể hơn.

Kết luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nhìn chung ý kiến của các đại biểu cơ bản tán thành những nội dung của Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi). Bên cạnh đó cũng còn nhiều ý kiến cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện. Các ý kiến của các ĐBQH đã được Ban thư ký tổng hợp đầy đủ và cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua. 

Đại biểu Nguyễn Thị Lan – Đoàn Hà Nội: Cần chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực trong CGCN: Tôi đánh giá cao sự tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ, tích cực sửa đổi, chỉnh lý của Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra. Luật CGCN (sửa đổi) đã kế thừa các nội dung tiến bộ, tháo gỡ vướng mắc và phát sinh trong thực tiễn CGCN, thể chế hóa kịp thời quan điểm đổi mới KH&CN của Đảng và Nhà nước. Dự thảo Luật có nhiều điểm mới nhằm tránh nhập công nghệ, thiết bị lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường.

Tuy nhiên, cần bổ sung  làm rõ chính sách ưu đãi có tính khả thi cao cho doanh nghiệp, quy định đặc thù, tính khả thi để Luật có tính khả thi cao hơn. Đặc biệt, có chính sách  đề thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài, tham gia tích cực vào CGCN. Có chính sách trọng dụng thiết thực để thu hút họ, ưu tiên các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và nhu cầu lớn, tạo điều kiện hơn nữa trong ươm tạo về trình độ, đội ngũ và môi trường làm việc. Có cơ chế đặt hàng nghiên cứu.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải – Đoàn Hải Phòng: Thúc đẩy đổi mới CGCN

Mục tiêu chính của luật này là thúc đẩy đổi mới chuyển giao công nghệ tiên tiến vào vn, thúc đẩy phong trào thi đua sáng tạo trong nhân dân, phục vụ nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống con người. Đương nhiên trong nhiệm vụ chung có nhiệm vụ là chúng ta phải tạo ra các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật để tránh việc nhập vào vn những công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, tác độn ghại tới con người, môi trường, xã hội.

Nhiệm vụ ngăn ngừa là quan trọng nhưng nhiệm vụ chính là thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến, thúc đẩy công nghệ trong nước, thúc đẩy phong trào sáng tạo. Luật này rất quan trọng về mặt thời điểm, nhất là trong bối cảnh cuộc cmcn 4.0 đang triển khai mạnh mẽ trên thế giới, chúng ta phải tiếp cận và chủ động, tích cực hội nhập vào thế giới hiện đại.

PV

Bài liên quan

Tin mới

Hưng Yên đầu tư 170 tỷ đồng xây cầu Hải Hưng
Hưng Yên đầu tư 170 tỷ đồng xây cầu Hải Hưng

Cầu Hải Hưng nối Hưng Yên với Hải Dương, bắc qua sông Chanh dự kiến thực hiện từ quý II năm nay tới quý IV/2025.

VN-Index tiếp tục trượt dốc mất 18 điểm, cổ phiếu chứng khoán giảm sàn la liệt
VN-Index tiếp tục trượt dốc mất 18 điểm, cổ phiếu chứng khoán giảm sàn la liệt

Phiên 19/4, chỉ số VN-Index giảm 18,16 điểm, tương đương 1,52%, xuống 1.174,85 điểm. Có thể thấy, VN-Index đang trượt dốc với tốc độ hiếm có trong bối cảnh tỷ giá căng thẳng, tiềm ẩn khả năng Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành.

Huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở từ 1/7
Huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở từ 1/7

Nghị định 40/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ quy định huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở từ ngày 1/7/2024.

Công bố Nhãn hiệu tập thể “Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên”
Công bố Nhãn hiệu tập thể “Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên”

Ngày 19/4, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bắc Ninh phối hợp với UBND TP. Bắc Ninh tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ Nhãn hiệu tập thể “Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên”.

ĐHĐCĐ thường niên 2024: SeABank đặt mục tiêu tăng trưởng 28%, tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng
ĐHĐCĐ thường niên 2024: SeABank đặt mục tiêu tăng trưởng 28%, tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng

Ngày 17/4/2024, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Nhiều mục tiêu quan trọng đã được thông qua tại Đại hội, trong đó có kế hoạch kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.888 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2023 và tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng.

Thông tin về Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 với chủ đề “Hải Phòng – Bừng sáng miền di sản”
Thông tin về Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 với chủ đề “Hải Phòng – Bừng sáng miền di sản”

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ là sự kiện chính trị - văn hóa, xã hội, là lễ hội truyền thống đặc trưng, niềm tự hào của người dân Hải Phòng được tổ chức thường niên vào tháng Năm gắn với kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng.