Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng - Hình 1

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Trước đó, vào đầu giờ làm việc buổi chiều, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Tổng số có 23 ý kiến đại biểu phát biểu và 01 ý kiến đại biểu tranh luận. Các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật, đồng thời thể hiện quan điểm về một số nội dung còn ý kiến khác nhau.

Về nguồn lực thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng: Có ý kiến cho rằng quy định của dự thảo Luật thực chất vẫn gián tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ cơ cấu lại tổ chức tín dụng, như vậy không bảo đảm nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; có ý kiến đề nghị trường hợp cần thiết vẫn phải sử dụng ngân sách nhà nước nhưng phải quy định minh bạch, bảo đảm quản lý chặt chẽ, bảo toàn ngân sách nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, Dự thảo Luật đã được rà soát để bảo đảm đúng chủ trương theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, theo đó không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng, đúng như các đại biểu Quốc hội có ý kiến, thực chất một số chính sách trong trường hợp cần thiết, cấp bách, để bảo đảm an toàn hệ thống có thể có những tác động gián tiếp làm ảnh hưởng, giảm thu ngân sách nhà nước (ví dụ như số nộp ngân sách nhà nước về chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước sau khi trích lập các quỹ), song không sử dụng chính sách miễn, giảm thuế và không sử dụng nguồn chi ngân sách nhà nước để xử lý.

Trước ý kiến đề nghị bổ sung điều kiện, quy trình thực hiện việc cho vay đặc biệt để bảo đảm tính chặt chẽ, minh bạch trong hoạt động tín dụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, điều kiện, quy trình thực hiện cho vay đặc biệt là hoạt động nghiệp vụ chuyên biệt, từng loại hình tổ chức tín dụng được vay từ nguồn khác nhau, mức lãi suất khác nhau, bên cạnh đó còn có các quy định về gia hạn cho vay đặc biệt, thu nợ khoản vay đặc biệt trong các trường hợp cụ thể.

“Do vậy, xin không quy định cụ thể trong Luật mà giao Ngân hàng Nhà nước để chủ động, linh hoạt trong điều hành”, báo cáo nêu rõ.

Còn về đề nghị làm rõ trường hợp sau một khoảng thời gian 5 đến 7 năm, các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt mạnh lên thì nên tính toán trả lại chi phí vốn đã hỗ trợ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh: “Mục đích quan trọng nhất của hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém là nhằm ổn định, không để đổ vỡ hệ thống, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, trật tự an toàn xã hội. Do vậy, không nên đặt ra yêu cầu tính toán trả lại chi phí vốn đã hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt”.

T. Nguyên