Theo đó, Quảng Ninh đã quy hoạch 03 vùng trọng điểm phát triển dược liệu gắn với loài cây trồng cụ thể. Theo đó, vùng 1 gồm các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Móng Cái tập trung phát triển loài cây chính là hồi, quế, kim ngân và các loài dược liệu có thế mạnh.
Vùng 2 gồm các địa phương Ba Chẽ, Cẩm Phả phát triển loài cây chính là trà hoa vàng, ba kích, cát sâm, quế và một số loài dược liệu có thế mạnh.
Vùng 3 là thung lũng dược liệu Ngọa Vân - Yên Tử trên địa bàn các địa phương Uông Bí, Đông Triều, Hạ Long phát triển loài cây chính là đinh lăng, gấc, cát sâm, nghệ vàng.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xác định có 948 loài cây thuốc thuộc 182 họ, 561 chi khác nhau, trong đó có rất nhiều loài là dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao như ba kích, trà hoa vàng, hồi, quế, kim ngân… Cùng với điều kiện về khí hậu thuận lợi, thổ nhưỡng phù hợp cho cây dược liệu phát triển, Quảng Ninh đang thực hiện các giải pháp để trở thành trung tâm dược liệu của các tỉnh Đông Bắc nói riêng, cả nước nói chung.
Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung chọn, tạo giống, bảo tồn giống lâm sản ngoài gỗ có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp ở các địa phương để xây dựng vườn giống. Cùng với đó là xây dựng quy trình, hướng kỹ thuật cây trồng, khai thác và chế biến cho các loài cây trồng lâm sản ngoài gỗ trọng điểm; khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển lâm sản ngoài gỗ.
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai hiệu quả một số mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng, nâng cao giá trị của rừng, tăng thu nhập cho người dân. Điển hình như huyện Ba Chẽ, với diện tích đất lâm nghiệp chiếm 91%, huyện được định hướng trở thành một trong những trung tâm dược liệu xanh của tỉnh Quảng Ninh và vùng Đông Bắc.
Huyện Ba Chẽ cũng đã quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu và triển khai Đề án bảo tồn và phát triển dược liệu giai đoạn 2021-2025, trong đó, phấn đấu trồng mới trên 100ha/năm các loài dược liệu.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2018-2020 tại xã Thanh Lâm. Đối tượng chính là cây ba kích được trồng xen dưới tán rừng keo, trám, giổi, cây ăn quả cho năng suất đạt 5 tấn/ha, thu nhập 350 triệu đồng/ha/năm…
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành Kế hoạch số 260/KH-UBND (ngày 07/11/2022) về việc phát triển chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản gắn với thúc đẩy phát triển thị trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tập trung phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh đảm bảo chất lượng cao, an toàn thực phẩm, tạo giá trị gia tăng và tham gia vào chuỗi sản phẩm nông sản, thực phẩm bền vững, đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng thời, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nông sản gắn với mục tiêu phát triển nông sản bền vững; áp dụng khoa học công nghệ, số hóa trong sản xuất, chế biến, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Dược liệu được coi là một trong những sản phẩm thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh, cần được tập trung chế biến tinh, chế biến sâu phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích nghiên cứu, tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học có giá trị cao phục vụ ngành dược phẩm, hóa dược...nghiên cứu thử nghiệm các sản phẩm có giá trị kinh tế từ phụ phẩm dược liệu. Đồng thời, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chế biến quy mô lớn và vừa, gắn với công nghệ tiên tiến, thiết bị chế biến hiện đại, đồng bộ với các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn.
Hiện tại, Quảng Ninh đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng và mở rộng chủng loại cây dược liệu có ưu thế trên địa bàn. Dự kiến giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích cây dược liệu đạt trên 16.500ha, trong đó, trên 7.000ha cây hồi, 2.170ha cây ba kích, 1.500ha cây trà hoa vàng, hơn 2.100ha cây dược liệu khác.
TT (t/h)