Chuyển đổi hệ thống lương thực cần thuận thiên
Bà Elsbeth Akkerman - Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cho biết: Quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hoàn toàn phù hợp với các nội dung trong mối quan hệ song phương lâu dài giữa Việt Nam và Hà Lan, đặc biệt là thỏa thuận đối tác Chiến lược về nước và biến đổi khí hậu, thỏa thuận đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực.
Theo Đại sứ Hà Lan, đồng bằng Hà Lan và ĐBSCL đều là những đồng bằng dễ bị tổn thương, cùng đối mặt với nhiều thách thức tương tự nhau. Cách đây hơn 10 năm, Việt Nam đã đề nghị Hà Lan hỗ trợ xây dựng bản Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long (MDP). Bản Kế hoạch này đã được hoàn thành vào năm 2013 và được Chính phủ Việt Nam phê duyệt.
Đó là cơ sở để năm 2017, Việt Nam tiếp tục ban hành Nghị quyết 120 hướng tới vùng ĐBSCL bền vững. Các chuyên gia của công ty tư vấn và kỹ thuật Royal Haskoning DHV của Hà Lan cũng tham gia tư vấn và đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể vùng.
“Trong thời gian tới, chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác với Chính phủ, khu vực tư nhân, các nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam để thực hiện thành công Quy hoạch tổng thể tích hợp nhằm giúp con người, kinh tế và thiên nhiên ở ĐBSCL phát triển mạnh mẽ”, đại sứ nhấn mạnh.
Các cam kết mà bà Elsbeth Akkerman đề cập gồm chuyển đổi hệ thống lương thực thông qua việc phát triển các chuỗi giá trị bền vững, tái trồng rừng ngập mặn kết hợp, hình thành các trung tâm đầu mối kinh doanh nông sản ở ĐBSCL, phát triển ngành logistics và vận tải, quản lý tài nguyên nước.
Như vấn đề chuyển đổi hệ thống lương thực, bà Elsbeth Akkerman nhận định, thực tế là rất nhiều khu đất sản xuất tại ĐBSCL đang được sử dụng ít hiệu quả so với tiềm năng, cần phải chuyển đổi từ thâm canh lúa sang các loại cây rau quả có giá trị cao hơn hoặc để nuôi trồng thủy sản. Hà Lan đã và đang hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình chuyển đổi nông nghiệp tại các tỉnh thuộc ĐBSCL, nhằm phối hợp và thúc đẩy quá trình này.
Dựa trên kinh nghiệm của Hà Lan, bà Elsbeth Akkerman khuyến nghị nên thực hiện quá trình trên theo nguyên tắc một mặt là thuận thiên và phù hợp với điều kiện sinh thái tự nhiên, mặt khác theo nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường. Tại các vùng sinh thái ở ĐBSCL, các công ty Hà Lan đã và đang làm việc với nông dân về mô hình canh tác mới bền vững như nuôi tôm bền vững, nông nghiệp nước mặn và trồng cây ăn trái.
Hay ngành logistics và vận tải, đại sứ Hà Lan cho rằng dự án Cảng biển nước sâu Cái Mép Hạ và trung tâm logistics trị giá 1 tỷ Euro do liên doanh Việt Nam - Hà Lan - Bỉ phát triển sẽ là một "viên gạch" quan trọng để xây dựng khả năng tiếp cận thị trường châu Âu cho tôm và trái cây từ ĐBSCL. “Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác về phát triển cảng, phát triển chuỗi kho lạnh, năng lực bảo quản cũng như cải thiện năng lực đường thủy nội địa, vận tải thủy nội địa và đào tạo thủy thủ đoàn”, bà Elsbeth Akkerman nói.
Nhấn mạnh việc đặt khu vực tư nhân vào vị trí dẫn dắt hướng đến sự đổi mới hơn nữa, bà Elsbeth Akkerman cho biết Hà Lan hiện tài trợ 50 triệu Euro thông qua các dự án của Hà Lan và các chương trình hợp tác công tư trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, nước và nông nghiệp. Và điều này về cơ bản được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư của khu vực tư nhân Hà Lan… Tất cả nhằm hỗ trợ sự chuyển đổi bền vững cần thiết của ĐBSCL.
Quy hoạch tổng thể như la bàn của con tàu
Ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) TP. HCM nhận định: ĐBSCL đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế Việt Nam, với tỷ lệ dân số so với cả nước là 18,0%, bán lẻ 19,0%, sản xuất công nghiệp 11,2%, sản xuất lúa 55,9% và sản xuất thủy sản 56,2%. Sự phát triển của ĐBSCL đóng góp vào sự tự cường của cả Việt Nam.
Ông cho rằng, quy hoạch tổng thể cũng quan trọng như la bàn của con tàu. Nếu một tỉnh ở ĐBSCL tìm kiếm lợi nhuận cho riêng mình dưới danh nghĩa tự lực cánh sinh, chuyển ruộng lúa thành công nghiệp thì thu nhập của tỉnh có thể tăng lên trong thời gian ngắn, nhưng đây không phải là giải pháp bền vững. Bởi vì cách thức theo đuổi lợi nhuận phần nào liều lĩnh và hơi "ích kỷ này" mà không có sự quản lý chung và hướng tới mục tiêu chung sẽ khiến sự tự cường của Việt Nam gặp trở ngại.
Trưởng đại diện JETRO đánh giá, ĐBSCL sẽ trở thành trung tâm chuyển đổi công nghệ, kinh tế - xã hội trong tương lai. Và rất nhiều công ty của Nhật Bản sẽ bắt đầu đầu tư tại đây, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số. Đơn cử như Mitsui đầu tư vào Minh Phú ở tỉnh Cà Mau hay Sojitz đầu tư vào Raynan ở tỉnh Trà Vinh. “Quy hoạch được kỳ vọng sẽ "khai phá" tiềm năng, mở ra cánh cửa cho giai đoạn phát triển mới”, ông Hirai Shinji nhận định.
"Tôi nhận ra ĐBSCL sẽ trở thành trung tâm chuyển đổi công nghệ, kinh tế - xã hội trong tương lai vì tôi đã có cơ hội gặp gỡ rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp độc đáo của tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Bạc Liêu. Tôi thích tinh thần của ĐBSCL, đầy hoài bão khởi nghiệp mới hay còn gọi là tinh thần xung kích vượt qua thử thách" Ông Hirai Shinji chia sẻ.
Chia sẻ về cuộc khảo sát mới nhất của JETRO và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. HCM (JCCH) đối với các công ty thành viên của JCCH, bao gồm cả các công ty ở ĐBSCL, ông Hirai Shinji cho biết, nhờ chuyển đổi thành công sang chính sách bình thường mới, triển vọng kinh doanh đã được cải thiện. Các nhà máy hoạt động hết công suất và 63% công ty thành viên của JCCH có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 01 đến 02 năm tới, tỷ lệ này cao hơn tỉ lệ 55,3% vào năm ngoái. 36% công ty thành viên của JCCH có kế hoạch duy trì hoạt động ở mức hiện tại và dưới 1% thành viên của JCCH có kế hoạch giảm quy mô hoạt động kinh doanh của họ.
Mặt khác, một số thách thức cũng hiện hữu. 91% các công ty sản xuất phải gánh chịu chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, 88% các công ty sản xuất phải gánh chịu chi phí hậu cần tăng cao. 65% các công ty sản xuất và 51% các công ty phi sản xuất phải gánh chịu chi phí lao động tăng cao. Các công ty Nhật Bản tham gia khảo sát cũng quan tâm đến các vấn đề trung và dài hạn như cơ sở hạ tầng, cảng, điện và năng lượng, đảm bảo địa điểm công nghiệp với chi phí hợp lý…
Ba giải pháp thúc đẩy chuyển từ quy hoạch sang hành động
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam đánh giá, Quy hoạch ĐBSCL thể hiện cách tiếp cận toàn Chính phủ và cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao khả năng thích ứng với khí hậu của vùng này. Quy hoạch cũng đưa ra những cơ hội to lớn để tạo ra các giá trị mới và mang lại sự chuyển đổi, cũng như tiềm năng tăng trưởng xanh, bền vững, đồng đều và thịnh vượng lâu dài trong khu vực.
Để thúc đẩy chuyển từ quy hoạch sang hành động, bà Carolyn Turk đề xuất 3 giải pháp quan trọng. Một là đảm bảo tập trung cao độ vào hiệu quả và hiệu lực, Quy hoạch vùng cần đi kèm với một Chương trình hành động chiến lược và khả thi, trong đó xác định rõ ràng các ưu tiên đầu tư trong khung thời gian và với nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nhất định. Với nhu cầu vốn tối thiểu dự kiến lên đến 57 tỷ USD từ nay đến năm 2030 để thực hiện các dự án đầu tư trong quy hoạch, điều quan trọng là phải có tầm nhìn khu vực, trong đó tập trung vào thực hiện những hành động mang tính cấp bách và mang lại tác động to lớn.
Hai là đảm bảo sự phối hợp theo chiều dọc và chiều ngang. Cần có chỉ đạo rõ ràng và thống nhất về vai trò và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan chính, đồng thời đảm bảo sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan và giữa các cấp quản lý.
Ba là đảm bảo quy hoạch vùng luôn được cập nhật. Phải có cơ chế phản hồi hiệu quả để cho phép phản ánh, đánh giá, cập nhật và điều chỉnh liên tục. Đồng thời, cần có khung giám sát và đánh giá mạnh mẽ để ghi nhận và đánh giá tiến độ thực hiện và đảm bảo chất lượng thực hiện.
"Là đối tác tin cậy lâu năm của Việt Nam, WB rất vinh dự được hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong nhiệm vụ quan trọng là lập Quy hoạch vùng ĐBSCL. Chúng tôi đã hợp tác với Chính phủ Australia để cung cấp các phân tích nền tảng phục vụ công tác lập Quy hoạch, xây dựng chính sách và tăng cường điều phối vùng. Theo yêu cầu của Việt Nam, các cán bộ của chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị một chương trình tổng hợp để thực hiện Quy hoạch vùng – tăng cường khả năng thích ứng, sinh kế và tài sản của người dân tại ĐBSCL, đồng thời tăng năng suất và nâng cao khả năng cạnh tranh của vùng khi phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn về khí hậu và phát triển cùng với những tác động do đại dịch Covid-19 gây ra" bà Carolyn Turk chia sẻ.
H.T (t/h)