Theo đó, sau khi trừ giá vốn hàng bán, ACV lãi gộp 3.599 tỷ đồng, tăng 22,5% so với năm ngoái. Biên lãi gộp ở mức gần 64%. Công ty mang về 478,8 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng 15,12%. Khoảng mục này của doanh nghiệp này phần lớn đến từ lãi tiền gửi ngân hàng. 

Năm nay, chi phí tài chính của ACV giảm mạnh từ 793 tỷ đồng xuống gần 19 tỷ đồng do không còn ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá, trong khi cùng kỳ con số này ở mức 771 tỷ đồng.


Quý I/2024, lợi nhuận sau thuế Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam đạt 2.917 tỷ đồng, tăng 78,6%

Kết quả, ACV mang về 3.628 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 78,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 2.917 tỷ đồng, tăng 78,6%. Đây cũng là khoản lãi kỷ lục trong một quý mà ACV ghi nhận trong lịch sử. 

Kết thúc quý I/2023, tổng tài sản của ACV ghi nhận ở mức 67.059 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản vẫn là khoản tiền, tiền gửi ngân hàng với tổng giá trị 26.591 tỷ đồng, giảm hơn 2.100 tỷ so với đầu năm.

Khoản tiền gửi dồi dào giúp ACV mang về 346 tỷ lãi tiền gửi trong quý đầu năm, giảm 15% so với cùng kỳ.

Khoản phải thu ngắn hạn của ACV là 13.810 tỷ, chủ yếu từ các hãng hàng không trong nước (Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways và Pacific Airlines...). Trong đó doanh nghiệp phải trích lập dự phòng 3.895 tỷ đồng cuối kỳ. 

Đối với các hãng hàng không như Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines, ACV phải trích lập dự phòng 100% giá trị nợ xấu.

Cuối quý I, ACV vay nợ tổng cộng gần 10.244 tỷ đồng, chủ yếu là vay dài hạn, tài trợ bởi nguồn vốn ODA bằng đồng Yen Nhật. 

ACV được thành lập năm 2012 trên cơ sở hợp nhất các Tổng Công ty Cảng hàng không ở 3 miền Bắc – Trung – Nam. Năm 2015, tổng công ty được cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 1/4/2016 với vốn điều lệ 21.771 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước nắm giữ 95,4% vốn cổ phần.

ACV hiện đang nắm độc quyền cung cấp các dịch vụ hàng không cho các hãng bay trong và ngoài nước như dịch vụ an ninh, dịch vụ mặt đất, phục vụ hành khách, cất cánh và hạ cánh…

Tổng công ty được giao quản lý, điều phối hoạt động và đầu tư khai thác toàn bộ hệ thống 22 cảng hàng không trên toàn lãnh thổ Việt Nam bao gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa.

Tổng công ty này hiện có 2 công ty con là Dịch vụ Nhiên liệu Hàng không Nội Bài (NAFSC) và Dịch vụ Bảo dưỡng máy bay Cảng Hàng không Miền Nam (SAAM). Ngoài ra, ACV còn có 10 công ty liên kết, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không, trong đó có nhiều cái tên trên sàn chứng khoán như Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO – SAS), Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS – SGN), Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS)…

Hiện nay, ACV đang là chủ đầu tư của nhiều dự án hàng không, với tổng mức đầu tư các dự án đang triển khai hơn 133.000 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga hành khách T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Phương Thảo (t/h)