Bà Gita Gopinath, Phó giám đốc điều hành của IMF cho biết, đã đến lúc các nền kinh tế tiên tiến “đầu tư vào củng cố tài chính” và giải quyết cách họ lên kế hoạch đưa gánh nặng nợ xuống mức trước đại dịch.
“Đối với Mỹ, chúng tôi thấy có nhiều cơ sở để họ giảm quy mô thâm hụt tài chính, cũng nhờ sức mạnh của nền kinh tế Mỹ”, bà cho biết.
Cảnh báo được đưa ra khi các nhà kinh tế và nhà đầu tư lo ngại rằng nhiều năm chi tiêu tài khoá mạnh mẽ của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đang gây thêm rắc rối cho nền kinh tế Mỹ.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội của Mỹ (CBO) dự kiến tỷ lệ nợ trên GDP sẽ tăng cao hơn mức cao nhất kể từ thời kỳ Thế chiến II vào năm 2029. CBO dự báo thâm hụt từ 5,2% đến 6,3% trong 10 năm tới, nếu Quốc hội đưa ra dự báo kế hoạch kinh tế vẫn như cũ.
“Sự cám dỗ tài trợ cho mọi chi tiêu thông qua vay mượn thực sự là điều mà các quốc gia nên tránh”, bà Gita Gopinath cho biết.
Trong báo cáo Giám sát tài chính được công bố vào tháng 4, IMF dự kiến Mỹ sẽ ghi nhận mức thâm hụt tài chính là 7,1% trong năm tới - cao hơn gấp ba lần mức trung bình 2% của các nền kinh tế tiên tiến khác. IMF cũng cảnh báo rằng thâm hụt tài chính ở cả Mỹ và Trung Quốc gây ra “rủi ro đáng kể” cho nền kinh tế thế giới.
Nhiều người cho rằng năm 2025 là một năm khó khăn đối với triển vọng tài chính của Mỹ, với việc cựu Tổng thống Donald Trump cam kết thực hiện cắt giảm thuế vĩnh viễn nếu tái đắc cử và việc Tổng thống Joe Biden không thể hạn chế mức chi tiêu cao, những điều này đã làm dấy lên lo ngại rằng thâm hụt ngân sách có thể còn tăng cao hơn nữa.
Bà Gopinath cho biết, ở tất cả các nền kinh tế tiên tiến, “không có cách nào vượt qua được” thực tế là cần phải có những cải cách cơ bản đối với hệ thống lương hưu và chi tiêu y tế khi dân số già đi.
Mặc dù chính quyền Tổng thống Biden đã gặp khó khăn trong việc hạn chế chi tiêu cho y tế và chăm sóc xã hội, nhưng IMF ủng hộ nỗ lực của Nhà Trắng nhằm thúc đẩy những người Mỹ giàu có phải nộp nhiều thuế hơn.
Bà Gopinath cũng cảnh báo rằng việc áp dụng AI tạo sinh “có thể khuếch đại đợt suy thoái kinh tế tiếp theo” mặc dù nó có thể nâng cao năng suất và thúc đẩy tăng trưởng.
Nghiên cứu của IMF phát hiện ra rằng công nghệ này có thể gây nguy hiểm cho 30% việc làm ở các nền kinh tế phát triển, 20% ở các thị trường mới nổi và 18% ở các nước thu nhập thấp.
Do đó, IMF cho rằng các quốc gia nên xem xét lại cách hỗ trợ người lao động làm những công việc bị công nghệ thay thế.
“Chúng tôi nghĩ rằng mức độ hào phóng của bảo hiểm thất nghiệp có thể cao hơn ở một số quốc gia… bảo hiểm tiền lương nhằm bù đắp khoảng cách giữa mức lương cũ và mới của người lao động cũng có thể có tác dụng”, bà Gita Gopinath cho biết.
Hà Trần (t/h)