Theo lý giải của Tổng cục Hải quan, sở dĩ tốc độ nhập khẩu thép Ấn Độ về Việt Nam tăng nhanh là do giá rẻ nhất thị trường, rẻ hơn cả thép Trung Quốc. Bình quân giá thép Ấn Độ chỉ là 11,8 triệu đồng/tấn, thấp hơn hẳn 1 triệu đồng/tấn so với giá thép Trung Quốc và thấp hơn 1,4 triệu đồng/tấn so với mức giá thép nhập khẩu bình quân các thị trường về Việt Nam.
Hiện nay, ngành thép trong nước vẫn phải nhập nhiều loại thép hợp kim hoặc nguyên liệu và bán thành phẩm phục vụ cho sản xuất trong nước hoặc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Theo thông tin từ Tỏng cục hải quan, hết 15/7, cả nước nhập khẩu 8,393 triệu tấn sắt thép, với tổng trị giá kim ngạch đạt 4,9 tỷ USD.
Trong các thị trường nhập khẩu của Việt Nam, sắt thép có xuất xứ từ Ân Độ đang có sự tăng trưởng đột biến
Cụ thể, lượng sắt thép xuất xứ Ấn Độ là 812 nghìn tấn, trị giá 422 triệu USD, với đơn giá khai báo bình quân là 519 USD/ tấn, thấp nhất trong các thị trường cung cấp sắt thép chủ yếu cho Việt Nam. Trong khi đó, hết tháng 6, có 2 thị trường nhập khẩu thép của Việt Nam đã đạt sản lượng từ 1 triệu tấn trở lên.
Đáng chú ý, trong tháng đầu năm nay nhập khẩu sắt thép từ Ấn Độ, Braxin và Anh tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2016, nhập từ Braxin tăng 10.260% về lượng và tăng 2.710% về trị giá, nhập từ Anh tăng 1.040% về lượng và tăng 225% về trị giá.
Trung Quốc với 3,95 triệu tấn, trị giá 2,23 tỷ USD, giảm 23,8% về lượng, nhưng tăng 12,3% về trị giá, đơn giá bình quân đạt 564 USD/tấn; thị trường Nhật Bản cung cấp 1,07 triệu tấn, trị giá 646 triệu USD, giảm 16,7% về lượng và tăng 19,4% về trị giá, đạt trung bình gần 604 USD/tấn.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, song sắt thép trong nước vẫn liên tục phải cạnh tranh về giá với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn.
Để thúc đẩy ngành sản xuất thép trong nước, Bộ sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, tự vệ tạm thời để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đảm bảo cạnh tranh công bằng với hàng nhập khẩu; theo dõi sát tác động của các biện pháp này tới sản xuất, tiêu dùng trong nước để có sự điều chỉnh kịp thời nếu cần.
Bộ Công Thương đã áp dụng thuế suất đối với phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ là 21,3% trong vòng 1 năm, từ ngày 22/3/2017 đến 21/3/2018. Thuế suất này sẽ lần lượt giảm về 19,3% và 17,3% vào các năm tiếp theo và từ 22/3/2020 trở đi, thuế suất sẽ về 0%.
Hơn nữa, Việt Nam hiện đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do song và đa phương, ưu đãi thuế nhập khẩu thép nên việc giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng sắt thép được thực hiện. Điều này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất thép cắt giảm sản phẩm, chuyển sang nhập thép bán nhờ ưu đãi về thuế.
Ngọc Linh