Mường Lò được mọi người biết đến vùng lòng chảo có đồng lúa lớn thứ hai vùng Tây Bắc. Mường Lò có dòng Nậm Thia trong lành khơi nguồn từ Nậm Hát trên độ cao gần 700m ở Trạm Tấu chảy về. Nhưng ít ai biết được ở dòng suối này có loài Cá Sỉnh chỉ sống duy nhất nơi đây, chỉ ăn rêu đá, về mùa sinh đẻ thường ngược về nguồn cho nên mọi người hay ví Cá Sỉnh giống như Cá Hồi ở vùng Tây Bắc. Cá Sỉnh thịt chắc, vị ngọt đậm, thơm, không hề có vị tanh, xương ít lại rất mềm. Đến nay, các món ăn về Cá Sỉnh đã thành đặc sản ở miền Tây Bắc.
2 giờ sáng, tôi lên Mảng của bố con ông Lò Văn Pổn ở bản Phán Thượng, xã Nghĩa Lợi, Thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái là người có kinh nghiệm nhất trong bản ngược suối Thia để đi săn Cá Sỉnh. Bè mảng ghép lại từ 5 - 6 cây tre già, dụng cụ bắt cá là lưới chài. Mỗi bè đi săn cá chỉ có 2 người, thường là hai cha con nhưng lần này tôi được “ưu ái” cho đi cùng nhưng với một điều kiện ngồi yên lặng và không làm gì cả.
Ông Lò Văn Pổn đang vá lại lưới
Ông Lò Văn Pổn cho biết: Để bắt được Cá Sỉnh không phải dễ dàng, bởi đây là loài cá rất khoẻ, thích sống nơi nước chảy xiết, sợ tiếng động lạ.... người đi bắt cá phải thao tác nhuần nhuyễn, người ngồi sau điều khiển mảng, người trước lựa dòng chảy quan sát nơi Cá Sỉnh ăn để quăng chài.
Trong lúc đẩy Mảng tìm nơi cá vượt dòng, ông Lò văn Pổn kể: Hồi trước, nước suối Nậm Thia chảy xiết, cá nhiều người dân trong bản bắt cá làm bằng “chuôm đá”. Lựa những nơi Cá Sỉnh tập trung đông, cánh đàn ông dìm mình trong dòng nước xếp những hòn đá lại thành đống, sao cho tạo nhiều khe, nhiều hốc và các “chuôm” này không to quá một vòng chài.
Để nhử cá, người ta còn bỏ vào đó xương trâu, bò. Sau vài cơn lũ cá về tập trung ẩn náu đã nhiều, cả phường chài tập trung căng một đoạn dây vắt qua suối, cách một mét lại buộc bẹ chuối tươi, rồi hò nhau xua đuổi cá từ phía hạ lưu lên. Thấy động, cá lao lên phía thượng nguồn, gặp vật lạ là các bẹ chuối lấp lánh, cá chui vào các “chuôm” ẩn trốn. Chỉ chờ có thế, chài được quăng xuống quây kín lấy các “chuôm”, dìm kín chân chì không cho cá lọt ra ngoài, rồi từ từ dỡ từng viên đá ra. Hết chỗ trú, cá sỉnh chỉ còn đợi người bắt lên bờ, có “chuôm” được 4 - 5 kg. Cách làm này không những được nhiều cá mà còn thú vị là tập trung đông người bắt, tạo một nét sinh hoạt truyền thống của người Thái nơi này.
Sau một tiếng vượt dòng Nậm Thia, chúng tôi đến một dòng chảy to và xiết. với kinh nghiệm của ông Pổn, đây là nơi Cá Sỉnh thích sống nhất. Qua 3 lần tung chài rồi con Cá Sỉnh đầu tiên cũng được bố con ông Pổn bắt lên. Cá Sỉnh trông gần giống loài cá trôi Ấn Độ nhỏ, điều khác biệt ở chỗ nó có môi đen xanh và dầy, mình thon dài, đầu nhỏ, vẩy trắng, lăn tăn như hoa bạc, hai bên lườn ánh xanh. Con nào to nhất cũng chỉ bằng bốn ngón tay,
Ông Pổn cho biết : Loài cá này về mùa sinh đẻ thường ngược về nguồn để cùng giao duyên, đẻ trứng sinh nở bảo toàn nòi giống. Nhờ dòng nước xiết đã đẩy lũ cá con dạt về nơi dòng chảy yếu hơn để lớn lên, điều này khẳng định Cá Sỉnh có nhiều ở dòng Nậm Thia là thế.
Cả một đêm dài, đẩy Mảng vượt qua hàng chục thác xiết, quăng lưới không biết bao lần bố con ông Pổn cũng chỉ bắt được 2 cân Cá Sỉnh, bán ở chợ Mường Lò cũng được 150.000/kg.
Vợ ông Pổn sấy cá sỉnh gác bếp dự trữ đài khách qúy
Nhưng hôm nay khác với mọi hôm là có nhà báo “hỗ trợ” may mắn bắt được nhiều cá đến vậy, nên ông sẽ trổ tài chế biến để tiếp khách quý với nhiều món ăn truyền thống. Theo ông Pổn đơn giản nhất là món “Pa Kính Pỉnh” là Cá Sỉnh tươi thoa muối kẹp bằng gắp tre nướng trên than hồng, khi nào mỡ cá xèo xèo bốc mùi ngầy ngậy trên than, cá vàng đều, mang xuống chấm với muối, chanh, hạt sẻn, gừng.
Cầu kì hơn người Thái còn làm món “Pa móôc” để đãi khách. Cá được bỏ ruột, cạo vẩy, dùng gia vị như: hạt sẻn, ớt, muối, tỏi, gừng tía... giã nhỏ nhồi vào bụng cá, dùng lạt nhỏ buộc kín lại. Toàn bộ cá được bọc trong lá chuối rừng non bằng nhiều lớp, rồi vùi trong tro nóng bên bếp lửa nhà sàn. Mùi thơm của gia vị quyện vào cá, cộng thêm cái mát mơn man bên mâm rượu nhà sàn, chắc hẳn thưởng thức một lần bạn sẽ không bao giờ quên.
Ngoài ra, người Thái còn dùng Cá Sỉnh để làm các món Pa mẳm (cá mắm), Pa Khính xổm (cá chua), Pa Khính giảng (cá sấy gác bếp)... để ăn dần trong năm,
Cá Sỉnh Nậm Thia được người Thái ở Mường Lò coi sản vật quý được trời đất ban tặng. Cá Sỉnh còn được coi là một trong những lễ vật chính của nhà trai đem dẫn cưới. Cá nướng, cá xấy buộc từng đôi lại với nhau, chuyên chở ý nghĩa âm dương giao hòa và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, góp phần xe duyên thắm cho bao đôi lứa và với đôi tay mềm mại của những cô gái thái Mường Lò Cá Sỉnh được chế biến thành bao nhiêu món ăn thơm ngon, bổ dưỡng, rất dân tộc mà không kém phần hiện đại.
Nguyễn Nhật Thanh