Liên quan đến 12 dự án thua lỗ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết ngoài 12 dự án đã được chỉ ra gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón; DQS; Nhà máy thép Việt Trung; Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ - PVTex, còn nhiều dự án cần tập trung quan tâm để xử lý.

Ngoài ra, Thứ trưởng Hải cũng nhấn mạnh, không thể ngày một, ngày hai có thể xử lý được những dự án này.

Theo thống kê trước đó, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án kể trên là 43.673,63 tỷ đồng, và sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên: 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%). Trong đó, vốn chủ sở hữu là: 14.350,04 tỷ đồng, chiếm 22,56%; vốn vay là: 47.451,24 tỷ đồng, chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.

Trong tổng số vốn vay, vốn vay các ngân hàng trong nước: 41.801,24 tỷ đồng, trong đó vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là 16.858,63 tỷ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 6.617,24 tỷ đồng.

Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16.126,02 tỷ đồng, trên tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là: 3.985,14 tỷ đồng; Tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679,02 tỷ đồng; Tổng nợ phải trả là: 55.063,38 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả VDB là: 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299,83 tỷ đồng.

Thông tin về tiến độ xử lý các dự án yếu kém của ngành Công Thương, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, từ 17/12/2016 đến 16/01/2017, trong vòng 1 tháng, Ban chỉ đạo đã làm việc với 9/12 dự án, với từng Giám đốc, quản đốc phân xưởng… Từ đó đến nay, có gần 200 văn bản chỉ đạo.

“Đến thời điểm này, một số Dự án đã có chuyển biến ban đầu rất tốt, đặc biệt là nhóm Dự án 4 nhà máy phân bón, đã đi vào sản xuất trở lại, có hiệu quả. Hai nhà máy sản xuất thép cũng có chuyển biến tích cực. Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã lên phương án tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản, hàng tồn kho”, ông Hưng nói.

Ông Hưng cũng cho biết, nguyên tắc chỉ đạo đầu tiên của Thủ tướng cũng như của Ban chỉ đạo là làm cho Dự án tốt lên, xử lý triệt để các vấn đề còn tồn đọng của từng Dự án. Nguyên tắc thứ hai là ngay lập tức các Tập đoàn, Tổng công ty, các chủ đầu tư, Nhà máy của các Dự án phải nâng cao hiệu quả quản trị, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Trong tháng 7 Bộ Công Thương sẽ có phương án trình Ban Chỉ đạo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ về các phương án xử lý triệt để các dự án”, ông Hưng thông tin thêm.

 Theo Bizlive