Agribank vừa thông báo sẽ bán đấu giá hơn 468.000 cổ phần tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Giá khởi điểm là 18.130 đồng/cổ phần. Agribank sẽ thoái vốn cổ phần tại OCB qua phương thức đấu giá công khai, trường hợp không bán hết số lượng cổ phần sẽ thực hiện các bước kế tiếp theo quy định.
(Ảnh minh họa)
Trong khi đó, Vietcombank và VietinBank cũng đẩy mạnh thoái vốn khỏi tổ chức tín dụng khác. Cụ thể, Vietcombank đã thoái sạch vốn cổ phần tại OCB sau nhiều lần đấu giá. Lần gần nhất, Vietcombank đã bán đấu giá toàn bộ số cổ phần OCB còn lại với gần 1,48 triệu cổ phần, giá khởi điểm 18.876 đồng/cổ phần, thu về gần 27,9 tỷ đồng.
Ngoài OCB, Vietcombank đã thoái vốn khỏi Công ty Tài chính Xi măng và Saigonbank. Vietcombank cũng đang thực hiện thoái vốn khỏi Eximbank và MB. Tuy nhiên, việc thoái vốn cổ phần tại MB và Eximbank đang gặp nhiều khó khăn.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt cho Vietcombank được quyết định tỷ lệ thoái vốn tại Eximbank và MB. Do đó, Vietcombank không cần thoái hết vốn tại MB. Tuy nhiên, tại Eximbank, nhiều khả năng Vietcombank sẽ thoái hết vốn trong cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
VietinBank cũng vừa thông báo sẽ thoái sạch vốn khỏi Saigonbank. HĐQT VietinBank đã nhất trí thông qua chủ trương thoái toàn bộ hơn 15,1 triệu cổ phần, tương ứng 4,91% vốn điều lệ của Saigonbank. Giá chào bán và thời điểm đấu giá hiện chưa được công bố. Trước đó, VietinBank đã bán gần 17 triệu cổ phần (tương đương 5,48% vốn cổ phần) tại Saigonbank, giảm sở hữu xuống mức 4,91%.
Các ngân hàng thương mại đang liên tục chào bán cổ phần tại các tổ chức tín dụng khác nhằm tuân thủ Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể, các ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết. Các ngân hàng có tỷ lệ vốn sở hữu vượt quá giới hạn phải hoàn tất việc thoái vốn vào giữa năm 2019, nên thời gian còn lại không nhiều.
Trả lời trước Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đánh giá, tình trạng sở hữu chéo tại các ngân hàng thương mại đã giảm đáng kể. Sau 6 năm đẩy mạnh tái cơ cấu, hiện sở hữu chéo trực tiếp đã giảm từ 7 cặp còn 1 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp giữa ngân hàng với doanh nghiệp cũng giảm mạnh, từ 56 cặp cách đây 6 năm còn 2 cặp hiện nay. Tỷ lệ cổ đông sở hữu vượt 15% vốn điều lệ cũng giảm còn một ngân hàng, so với con số 19 ngân hàng cách đây 6 năm. Theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt xử lý sở hữu chéo trực tiếp, nhưng do việc thoái vốn phụ thuộc vào việc tìm đối tác, nên thời điểm thoái vốn cũng cần tính toán thận trọng để bảo toàn vốn nhà nước.
Theo Đề án Cơ cấu hệ thống ngân hàng đến năm 2020, từng ngân hàng thương mại sẽ phải xây dựng lộ trình, phương án cơ cấu lại, dứt điểm tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống.
Theo Báo Đầu tư