Theo Ngân hàng Nhà nước, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 42, Quyết định số 1058, các văn bản có liên quan đến việc xử lý nợ xấu, ngành ngân hàng đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo.
Trong thời gian tới, Thống đốc yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát NH phối hợp với Vụ pháp chế rà soát, đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại đối với các TCTD yếu kém, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD đẩy mạnh xử lý nợ xấu thời gian tới.
Đối với Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), Thống đốc yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã mua. Đẩy mạnh hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường theo quy định và phương án được duyệt, đồng thời có biện pháp giảm thiểu rủi ro trong việc mua bán nợ theo giá trị thị trường;
VAMC tăng cường phối hợp với TCTD để rà soát, phân loại, đánh giá lại tài sản bảo đảm và các khoản nợ xấu đã mua để xác định khả năng thu hồi nợ và có giải pháp xử lý phù hợp…
Các TCTD được yêu cầu khẩn trương trình phê duyệt, triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử nợ xấu. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về lãi suất, huy động vốn, cũng như tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VAMC triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu trên toàn hệ thống.
Theo kế hoạch, trong năm nay, VAMC sẽ mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt phát hành tối đa 32.000 tỉ đồng, mua nợ theo giá thị trường là 3.500 tỉ đồng. Tổng số tiền xử lý các khoản nợ xấu đã được phê duyệt khoảng 34.504 tỉ đồng (dư nợ gốc).
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến giữa năm 2018, tỉ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,09%, giảm so với thời điểm cuối năm 2016 là 2,46%.
Mới đây, các ngân hàng thương mại đã rao bán hàng loạt bất động sản là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu với giá từ vài tỉ đồng đến cả chục ngàn tỉ đồng, để xử lý và thu hồi nợ xấu.
Phương Thảo