Chính vì vậy, những chính sách liên quan đến vàng cần được rà soát, điều chỉnh để bịt kín kẽ hở, chặn đứng dòng chảy vàng lậu và đưa thị trường vàng về quỹ đạo lành mạnh.
LTS: Những tháng gần đây, thông tin về các vụ án buôn lậu vàng quy mô lớn liên tục xuất hiện trên mặt báo, gây bức xúc dư luận. Từ hàng chục, hàng trăm đến cả tấn vàng được tuồn qua biên giới bằng những phương thức tinh vi, cho thấy một thực tế đáng báo động, hoạt động buôn lậu vàng đang diễn ra hết sức phức tạp với quy mô ngày càng tăng. Đằng sau những “chuyến hàng” phạm pháp bị bắt giữ là áp lực to lớn đối với nền kinh tế, đặc biệt là công tác quản lý ngoại hối và ổn định tỷ giá. Các vụ án bị triệt phá chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, phơi bày những “lỗ hổng” trong chính sách quản lý thị trường vàng hiện hành, đòi hỏi một cuộc rà soát và hành động quyết liệt từ các cơ quan chức năng để chặn đứng tình trạng “chảy máu vàng” và bảo vệ sự ổn định của nền kinh tế.
Nhiều vụ buôn lậu vàng quy mô “khủng”
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu vàng qua biên giới, đặc biệt là đấu tranh triệt phá thành công nhiều đường dây buôn lậu vàng với quy mô rất lớn, thu giữ hàng tấn vàng và nhiều tài sản, tiền USD.
Điển hình như chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc (tỉnh Tây Ninh), đã khởi tố vụ án, khởi tố 18 bị can về tội buôn lậu, thu giữ được 198 kg vàng, 59 cây vàng, gần 2,9 triệu USD; gần 27 tỷ đồng và các phương tiện, thiết bị. Trị giá thu giữ được tương đương gần 250 tỷ đồng.

Tại tuyến biên giới Tây Nam, đặc biệt là khu vực Campuchia – Việt Nam, hoạt động buôn lậu vàng vẫn tiếp diễn âm ỉ. Vụ án điển hình là đường dây do Nguyễn Thị Minh Phụng cầm đầu, buôn lậu hơn 6 tấn vàng từ Campuchia qua cửa khẩu Chàng Riệc (Tây Ninh), từng bị triệt phá năm 2022. Dù đã có bản án nghiêm khắc, nhưng sau dư chấn ấy, các nhánh vận chuyển nhỏ lẻ hơn tiếp tục mọc lên, khó phát hiện và khó kiểm soát hơn rất nhiều.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Buôn lậu” xảy ra tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), Công ty CP Đầu tư vàng Phú Quý và các đơn vị liên quan. Theo kết luận điều tra, Nguyễn Thị Hóa là người chủ mưu, cầm đầu, điều hành đường dây buôn lậu vàng từ Lào về Việt Nam để tiêu thụ tại các tiệm vàng ở Hà Nội. Từ ngày 22/12/2022 đến ngày 13/6/2024, Hóa đã buôn lậu 310kg vàng, tổng trị giá hơn 454 tỷ đồng.
Gần đây nhất, ngày 17/4/2025, tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), lực lượng biên phòng phát hiện một phụ nữ giấu trong người 4 thỏi kim loại màu vàng, tổng khối lượng 4 kg, không khai báo hải quan. Vài ngày trước đó, tại sân bay Nội Bài, một hành khách đến từ Đài Loan (Trung Quốc) cũng bị bắt giữ khi cất giấu một thỏi vàng 1 kg trong người. Những vụ việc tưởng chừng đơn lẻ, nhưng khi đặt cạnh nhau lại cho thấy dấu hiệu rõ rệt của một chuỗi vận chuyển có tổ chức, đang mở rộng quy mô và gia tăng tần suất.
Ghi nhận thực tế cho thấy, tình hình hoạt động buôn lậu vàng diễn biến khá phức tạp, các đối tượng lợi dụng chính sách Nhà nước đối với cư dân biên giới qua lại công khai giữa hai nước để cất giấu vàng trong các phương tiện, lẫn trong hàng hóa nông sản… hay lợi dụng đường mòn, sông nước hiểm trở, đêm tối để vận chuyển vàng lậu từ nước ngoài vào Việt Nam bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi trên các tuyến biên giới phía Tây Nam giáp Campuchia tại địa bàn các tỉnh An Giang, Long An, Tây Ninh và biên giới khu vực miền Trung giáp Lào tại địa bàn Quảng Trị và Hà Tĩnh.
Sau khi đưa vàng lậu qua biên giới, đối tượng chia thành nhiều công đoạn để vận chuyển về các tiệm vàng, các cơ sở sản xuất, chế tác trang sức mỹ nghệ tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ.
Từ “tấm khiên” chống vàng hóa đến “lỗ hổng” buôn lậu
Năm 2012, trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với áp lực “vàng hóa” mạnh mẽ – khi người dân và doanh nghiệp có xu hướng nắm giữ vàng như một kênh thanh toán và tích trữ tài sản thay vì tiền đồng, gây bất ổn tỷ giá và hệ thống ngân hàng – Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Nghị định này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chính sách quản lý vàng của Việt Nam, với mục tiêu cốt lõi là chống “vàng hóa”, đưa vàng trở lại đúng vai trò là một loại hàng hóa, không phải là phương tiện thanh toán hay đối tượng đầu cơ gây bất ổn vĩ mô.

Một trong những điểm then chốt của Nghị định 24 là xác lập quyền độc quyền Nhà nước đối với hoạt động sản xuất vàng miếng, giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quản lý thông qua thương hiệu vàng miếng SJC. Đồng thời, Nghị định cũng quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh vàng miếng, giảm thiểu các điểm giao dịch và kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu vàng.
Trong những năm đầu thực thi, Nghị định 24 đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Tình trạng người dân dùng vàng để thanh toán giảm hẳn, thị trường vàng không còn là “điểm nóng” gây sốc cho nền kinh tế, tâm lý nắm giữ vàng không còn quá căng thẳng như trước. Vàng miếng SJC trở thành chuẩn mực trên thị trường nội địa, được chấp nhận rộng rãi và có tính thanh khoản cao.
Tuy nhiên, thời gian trôi đi, bối cảnh kinh tế vĩ mô và thị trường vàng thế giới đã có nhiều thay đổi. Giá vàng thế giới liên tục tăng cao trong những năm gần đây do nhiều yếu tố như lạm phát, bất ổn địa chính trị, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.... Trong khi đó, cơ chế điều hành theo Nghị định 24 lại tỏ ra thiếu linh hoạt, đặc biệt là trong việc điều tiết nguồn cung vàng miếng SJC ra thị trường. Quyền độc quyền sản xuất vàng miếng của SJC (được NHNN cho phép gia công) cùng với việc hạn chế nhập khẩu vàng nguyên liệu đã khiến nguồn cung vàng miếng SJC trở nên khan hiếm so với nhu cầu thực tế của thị trường, đặc biệt là nhu cầu tích trữ khi giá vàng thế giới tăng.
Sự mất cân đối cung - cầu kéo dài, kết hợp với tâm lý thị trường và hoạt động đầu cơ, đã đẩy giá vàng SJC nội địa lên cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới quy đổi. Ban đầu, mức chênh lệch chỉ vài trăm nghìn đồng/lượng, sau đó tăng lên vài triệu đồng, và đỉnh điểm trong thời gian gần đây là mức chênh lệch lên tới 15-20 triệu đồng/lượng, thậm chí có lúc còn cao hơn.
Mức chênh lệch “khủng” này chính là “lỗ hổng” mà Nghị định 24 hiện tại đang vô tình tạo ra. Từ mức chênh lệch này, nhiều đối tượng đã tìm cách đưa vàng lậu vào Việt Nam và bán với ra bằng giá vàng SJC. Và từ đó, đối tượng buôn lậu vàng thu về một một khoản lợi nhuận rất lớn. Điều này tạo ra động lực cực lớn để gia tăng hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới, bất chấp sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Theo GS. TS. Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết, Nghị định số 24 quy định Nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
“Vàng SJC lại được xác định là vàng thương hiệu quốc gia thì đương nhiên người dân tích lũy sẽ chọn vàng tin cậy nhất. Mặc dù SJC và các vàng miếng khác có thể cùng chất lượng như nhau,” ông Cường nhấn mạnh.
Do đó, theo ông Cường rất cần thay đổi, sửa đổi Nghị định này theo hướng không nhất thiết phải độc quyền nhà nước về một thương hiệu vàng. Cùng với đó, có thể để nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
“Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, không còn tình trạng khan hiếm nữa. Tâm lý càng khan hiếm càng giá tăng, càng đi mua,” ông Cường phân tích.
Một điểm nữa được các chuyên gia chỉ ra khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch nhiều sẽ sinh lợi cho việc nhập lậu vàng. Nhà nước không cấp phép nhập vàng thì sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu, thất thu thuế, thất thoát về ngoại tệ, không tạo ra một thị trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng.
“Trong tình hình hiện nay, rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý đối với thị trường vàng. Vàng là một hàng hóa khá thông thường, mọi người đều có thể sử dụng và Nhà nước quản lý mặt hàng này rất dễ, không nhất thiết phải độc quyền,” ông Cường cho hay.
Như vậy, tấm khiên Nghị định 24, từng rất hiệu quả trong việc chống “vàng hóa”, nay lại trở thành “lỗ hổng”, là nguồn cơn của nhiều vấn đề nhức nhối trên thị trường vàng. Rõ ràng, đã đến lúc cần một cuộc rà soát, đánh giá toàn diện và điều chỉnh chính sách quản lý vàng để phù hợp với bối cảnh mới.
Ngọc Linh