Hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt vào thời điểm trước Tết Nguyên đán khi nhu cầu vàng của người dân tăng cao. Mới đây, hàng tấn vàng trị giá hàng nghìn tỷ đồng đã được các nhóm đối tượng buôn lậu vận chuyển từ Campuchia và Trung Quốc vào Việt Nam qua biên giới các tỉnh Long An, An Giang và Lào Cai, sau đó tiêu thụ tại nhiều địa phương trên cả nước.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã liên tiếp triệt phá ba đường dây buôn lậu vàng lớn này.

"Các đường dây buôn lậu tại Long An, An Giang và Lào Cai đã vận chuyển vàng về Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để tiêu thụ. Cả ba đường dây đều có sự cấu kết chặt chẽ, sử dụng phương thức và thủ đoạn tinh vi, với sự phân chia công đoạn rõ ràng qua từng giai đoạn. Đầu tiên, các chủ tiệm vàng tại thành phố Hồ Chí Minh thu gom đô la và đặt hàng từ các chợ vàng ở Campuchia. Tiếp đó, họ thuê các đối tượng vận chuyển tiền qua biên giới Long An, An Giang để đưa sang Campuchia. Tại đây, sau khi các chủ tiệm vàng ở Campuchia nhận được đô la, họ giao vàng cho các đối tượng vận chuyển qua biên giới trở lại Việt Nam, đi qua các khu vực giáp biên giới Long An và An Giang, rồi tiếp tục đưa về thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ", Trung tá Đỗ Duy Thanh, Phòng 3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết.

Số vàng trong các vụ buôn lậu bị lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ
Số vàng trong các vụ buôn lậu bị lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ

Trung tá Đỗ Duy Thanh cho biết, các đối tượng buôn lậu thường chia nhỏ vàng, khò hoặc đốt để xóa chữ và ký hiệu, đưa vàng về Việt Nam trong tình trạng không còn dấu vết nào liên quan đến nước xuất xứ. Điều này gây nhiều khó khăn trong việc chứng minh yếu tố vượt biên giới.

Ban đầu, cơ quan chức năng dự định bắt giữ ngay tại biên giới, nhưng phương án này không làm rõ được mối liên hệ với các đầu mối tiêu thụ và chủ tiệm vàng lớn tại thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt, theo dõi chặt chẽ di biến động của các đối tượng gần như 24/24 trong nhiều tháng.

Kế hoạch phá án được tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm bắt giữ các chủ tiệm vàng và triệt phá toàn bộ đường dây buôn lậu từ Long An, An Giang về thành phố. Việc phá án tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm bắt giữ chủ tiệm vàng cùng toàn bộ đường dây buôn lậu từ Long An, An Giang về thành phố.

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp bình ổn thị trường vàng, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế và xử lý chênh lệch giá vàng. Những giải pháp này đã giúp thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, tại một số thời điểm, vẫn xuất hiện sự chênh lệch giá giữa vàng trong nước và thế giới, giữa vàng miếng và vàng nguyên liệu, cùng với mức chênh lệch lớn giữa giá mua vào và bán ra. Một số thương hiệu vàng lớn còn neo giá vàng tiệm cận giá vàng miếng SJC. Lợi nhuận cao từ chênh lệch giá trở thành động cơ thúc đẩy các đối tượng phạm tội buôn lậu vàng.

"Với ba đường dây buôn lậu vàng vừa bị triệt phá cho thấy phương thức vận chuyển của các đối tượng rất tinh vi. Các đối tượng đã lợi dụng vỏ bọc làm ăn, buôn bán giữa Việt Nam và Campuchia để che giấu hành vi phạm tội. Khi từ Việt Nam sang Campuchia, chúng giấu đô la trong xe chở cá hoặc thuyền nhỏ.

Trên đường từ Campuchia trở lại Việt Nam, vàng được bọc kỹ, chia thành các gói nhỏ và giấu trong bao tải, hoặc lẫn vào hoa quả, cá để ngụy trang. Tại Lào Cai, việc chuyển tiền sang Trung Quốc thậm chí còn dễ dàng hơn", Trung tá Đỗ Duy Thanh cho biết thêm.

Cũng theo Trung tá Đỗ Duy Thanh, các đối tượng sử dụng chợ đổi tiền để thanh toán thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu hoặc mua bán của cư dân biên giới. Điểm chung của các phương thức này là lợi dụng sự đi lại thông thoáng của cư dân biên giới. Do vàng có kích thước nhỏ gọn, dễ cất giấu và ngụy trang, các đối tượng đã vận chuyển vàng nhập lậu một cách kín đáo, vượt qua sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Các chủ tiệm vàng tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội khi nhập vàng nguyên liệu thường nhằm hai mục đích chính. Thứ nhất, họ sử dụng vàng để sản xuất nữ trang phục vụ hoạt động kinh doanh của chính tiệm vàng. Thứ hai, nhu cầu nguyên liệu vàng trong sản xuất trang sức và mỹ nghệ của người dân và thị trường rất lớn. Tuy nhiên, ngoài việc sử dụng cho mục đích sản xuất, các đối tượng còn bán vàng nhập lậu cho các đầu mối tiêu thụ khác.

Những đầu mối này thường mua bán vàng dưới danh nghĩa cá nhân để hợp thức hóa nguồn gốc vàng nhập lậu. Dù trong thời gian qua, nhiều vụ buôn lậu vàng đã bị bắt giữ, việc chứng minh yếu tố biên giới thường gặp khó khăn, và trong một số trường hợp, chỉ dừng lại ở việc tịch thu hàng hóa không rõ nguồn gốc.

"Để đảm bảo tính răn đe và ổn định thị trường vàng, lãnh đạo Bộ Công an và Cục Cảnh sát Kinh tế đã chỉ đạo quyết liệt trong việc đấu tranh với các đường dây buôn lậu. Mục tiêu là bắt giữ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu và làm rõ vai trò của từng đối tượng trong đường dây vận chuyển vàng từ Campuchia, Trung Quốc, và Lào về Việt Nam. Công tác phá án tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh đã giúp lực lượng chức năng chứng minh yếu tố biên giới bằng cách ngược dòng điều tra, buộc các đối tượng phải thừa nhận hành vi phạm pháp", Trung tá Đỗ Duy Thanh chia sẻ.

Chỉ từ tháng 9 tới nay, lực lượng công an xác định khối lượng vàng các nhóm đối tượng vận chuyển trot lọt là hàng tấn vàng. Sau đó, vàng được giao đến các tiệm vàng, xóa dấu vết, thực hiện các biện pháp hợp thức hóa để tiêu thụ.
Chỉ từ tháng Chín tới nay, lực lượng công an xác định khối lượng vàng các nhóm đối tượng vận chuyển trot lọt là hàng tấn vàng. Sau đó, vàng được giao đến các tiệm vàng, xóa dấu vết, thực hiện các biện pháp hợp thức hóa để tiêu thụ.

Theo quy định của Nghị định số 24/2012 của Chính phủ, hành vi buôn lậu vàng bị xử lý tương tự như buôn lậu các mặt hàng khác. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đang quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu vàng nguyên liệu, chỉ cấp giấy phép cho các doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ theo giấy chứng nhận do Ngân hàng Nhà nước cấp.

"Theo Nghị định 24, Nhà nước đang độc quyền vàng miếng SJC và chưa cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Để khắc phục, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Nghị định 24 theo hướng xóa bỏ độc quyền vàng miếng. Đồng thời, cho phép một số doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập khẩu vàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vàng miếng, vàng trang sức và mỹ nghệ, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu", Trung tá Đỗ Duy Thanh chia sẻ thêm.

Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương cùng ngành ngân hàng đang tăng cường phối hợp chặt chẽ để kiểm soát và ngăn chặn tình trạng nhập lậu vàng. Đồng thời, tăng cường áp dụng chế tài xử phạt đối với hành vi nhập lậu vàng và mua bán vàng trái pháp luật. Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng.

Một trong những biện pháp trọng tâm là yêu cầu các giao dịch mua bán vàng bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử nhằm nâng cao tính minh bạch và đảm bảo thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả. Các đơn vị không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động mua bán vàng sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.

Theo vtv.vn